(sav.gov.vn) – Sáng 26/10, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Tổ chức kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện”. Đề tài do nhóm tác giả ThS. Trần Trí Thành - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV và ThS. Hoàng Anh Tùng - KTNN chuyên ngành III đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng.
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Thùy Anh
ThS. Trần Trí Thành – Chủ nhiệm Đề tài dẫn lại nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về môi trường: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường bị suy thoái như hiện nay là do công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), từ quy định pháp lý đến quá trình thực thi còn nhiều bất cập.
Thêm vào đó, sự phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Nhiều trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM thuộc chủ dự án.
Các dự án nguồn điện đều sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước, rừng tự nhiên và tài nguyên than, khí đốt rất lớn nên việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh của các khu vực đặt nhà máy là rất nghiêm trọng…
Do vậy, Nhóm tác giả thực hiện Đề tài “Tổ chức kiểm toán Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện” để nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như kinh nghiệm tổ chức kiểm toán môi trường của KTNN nhằm đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán về báo cáo đánh giá tác động môi trường; cung cấp các thông tin phục vụ công tác giám sát của Quốc hội và phục vụ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
Cũng theo Ban Đề tài, giai đoạn 2016-2020, KTNN đã thực hiện 30 cuộc kiểm toán đánh giá tác động môi trường, gồm: 9 cuộc kiểm toán nhà máy nhiệt điện, 8 cuộc kiểm toán thủy điện, 13 cuộc kiểm toán khác như hoạt động xử lý nước thải, dự án nguồn điện vệ sinh môi trường.
Các nội dung KTNN đã thực hiện kiểm toán về môi trường tương đối phong phú: từ nước thải, chất thải rắn, khí thải ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, chất thải y tế đến công tác nhập khẩu phế liệu và nước thải, nước làm mát, chất thải rắn, khí thải của nhà máy nhiệt điện…
Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện một số bất cập trong công tác lập, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường như: Phê duyệt Dự án nguồn điện trước khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; báo cáo đánh giá tác động môi trường lập thiếu diện tích trồng rừng thay thế 1.000ha so với diện tích mất rừng thực tế…
Chủ nhiệm Đề tài cho biết thêm: Pháp luật về kiểm toán báo cáo ĐTM đối với các dự án nguồn điện còn nhiều vấn đề chưa được quy định hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng, thiếu tính thống nhất.
Việc kiểm toán môi trường còn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận thông tin. Khả năng thu thập bằng chứng kiểm toán của kiểm toán viên bị giới hạn bởi tình hình thực tế hoặc giới hạn pháp lý…
Từ đó, Ban Đề tài đề xuất 5 nhóm giải pháp tổ chức kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện của KTNN: Xây dựng nội dung kiểm toán cho cuộc kiểm toán Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện. Xây dựng Chương trình kiểm toán chi tiết đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán môi trường. Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực. Hội nhập, hợp tác quốc tế về kiểm toán môi trường.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng cơ bản thống nhất nhận định: Những năm gần đây, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường. Kết quả kiểm toán môi trường của KTNN đã chỉ ra một số dự án thực hiện đánh giá tác động môi trường còn bất cập.
Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu về hoạt động kiểm toán môi trường hay kiểm toán đánh giá tác động môi trường là hết sức cần thiết.
Các thành viên Hội đồng cũng nhận định: Đề tài đã nêu rõ thực trạng báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nguồn điện, thực trạng kiểm toán môi trường của KTNN, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện.
Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, các giải pháp được đề xuất có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng tổ chức kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án nguồn điện.
Để Đề tài hoàn thiện hơn, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Đề tài bổ sung một số vấn đề lý luận về tổ chức kiểm toán môi trường/kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường (phương thức kiểm toán; đối tượng, nội dung kiểm toán; phương pháp, thủ tục kiểm toán; cách thức thu thập bằng chứng kiểm toán; nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức kiểm toán…).
Đồng thời, làm rõ thêm các vấn đề về công tác lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN nói chung cũng như các KTNN chuyên ngành, khu vực nói riêng đối với báo cáo ĐTM dự án nguồn điện, các hạn chế, nguyên nhân trong công tác tổ chức thực hiện kiểm toán các ĐTM dự án nguồn điện...
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.