(sav.gov.vn) - Với mong muốn giúp kiểm toán viên có thể hiểu rõ, sâu sắc về quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN), chiều 15/11, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế phối hợp với KTNN chuyên ngành VII tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh cho toàn thể lãnh đạo, công chức, kiểm toán viên đơn vị.
Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến sẽ giúp kiểm toán viên hiểu rõ quy định có liên quan đến hoạt động của KTNN, của thành viên đoàn kiểm toán. Ảnh: N.Lộc
Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.
Trên cơ sở Pháp lệnh, ngày 02/6/2023, KTNN ban hành Quyết định số 811/QĐ-KTNN hướng dẫn về thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình đưa Pháp lệnh vào cuộc sống.
Trong đó, hoạt động tuyên truyền pháp lệnh được đánh giá có ý rất quan trọng và đã được KTNN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2023 của KTNN.
Tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên Đỗ Thị Lan Hương - Trưởng phòng, Phòng Pháp luật, Vụ Pháp chế đã phổ biến, tuyên truyền về sự cần thiết phải ban hành và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh, góp phần triển khai thi hành Pháp lệnh kịp thời, đưa tác động của Pháp lệnh đến xã hội.
Theo đó, Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, quy định cụ thể về: đối tượng, hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; điều khoản thi hành.
Tại buổi tuyên truyền, báo cáo viên cũng trực tiếp giải đáp, trao đổi về các quy định có liên quan đến Pháp lệnh; cũng như làm rõ thêm về quá trình soạn thảo, cũng như những vấn đề cần lưu ý được đặt ra trong Pháp lệnh.
Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN lần đầu tiên được ban hành với nhiều quy định mới. Do đó, thông qua công tác tuyên truyền sẽ giúp công chức, kiểm toán viên hiểu rõ quy định có liên quan đến hoạt động của KTNN, đến thẩm quyền của đoàn kiểm toán, kiểm toán viên, từ đó giúp thuận lợi, chính xác khi áp dụng quy định vào thực tiễn.
Thực tiễn hoạt động của KTNN những năm qua cho thấy, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán có xu hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, như: cản trở hoạt động kiểm toán, không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ việc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán, làm giảm hiệu lực của hoạt động kiểm toán.
Vì vậy “việc ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện bước tiến quan trọng của hoạt động lập pháp đối với lĩnh vực KTNN” - báo cáo viên Đỗ Thị Lan Hương cho biết; đồng thời đề nghị mỗi kiểm toán viên và đơn vị, cá nhân có liên quan cần tăng cường trao đổi, nâng cao tinh thần tự tìm hiểu để trang bị, cập nhật thêm các quy định mới của Ngành, từ đó phục vụ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán.
Nguyễn Lộc