Những sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Kiểm toán nhà nước năm 2023

04/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực công tác. Dưới đây là những sự kiện, hoạt động tiêu biểu của KTNN trong năm 2023 (do Báo Kiểm toán bình chọn).

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XV thông qua ngày 28/02/2023. Ngày 10/3/2023, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

Ngay sau khi Pháp lệnh được ban hành, KTNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh; kịp thời ban hành Hướng dẫn việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN và ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành cho phù hợp với Pháp lệnh. KTNN cũng đã tổ chức 43 Hội nghị tuyên truyền Pháp lệnh và các văn bản pháp luật có liên quan cho công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc KTNN và các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

2. Tổng Kiểm toán nhà nước giải trình trước Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
 


Tháng 9/2023, lần đầu tiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, mang lại hiệu ứng tích cực, tác động mạnh mẽ đến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương. Một lượng lớn kiến nghị kiểm toán tồn đọng đã được thực hiện ngay trong quá trình chuẩn bị cho Phiên giải trình. Với hàng loạt vấn đề được “mổ xẻ” dưới góc nhìn đa chiều, Phiên giải trình đã làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm, thống nhất quan điểm, giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thể hiện hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán, do đó, KTNN rất quan tâm đến vấn đề này. Chỉ rõ các nhóm nguyên nhân khiến kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đồng thời cần kiện toàn khung khổ pháp lý trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

3. Thực hiện một số cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; của Quốc hội, UBTVQH để phục vụ công tác giám sát

Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, KTNN bổ sung nhiệm vụ: Kiểm toán “Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; “Kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức trở thành công ty cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3; kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp của các ngân hàng mua bắt buộc”.
 


Qua kiểm toán năm 2023, KTNN kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 1 dự án; cung cấp 299 báo cáo kiểm toán, tài liệu phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; cung cấp nhiều báo cáo phục vụ hoạt động giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; phục vụ cho các đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 và Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội”.

4. Kiểm toán nhà nước tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI
 


Từ ngày 12-28/10, KTNN đã tổ chức thành công Hội thảo ASOSAI 2023 về Kiểm toán các Chương trình phòng bệnh truyền nhiễm sau đại dịch Covid-19, thu hút gần 40 đại biểu quốc tế tham dự. Trước đó, từ ngày 27-30/8, KTNN đã tổ chức Hội nghị người đứng đầu cơ quan KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 với chủ đề “Theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán”. Hội nghị thành công tốt đẹp, là minh chứng cho lập trường và thiện chí tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa ba bên nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Tháng 9/2023, KTNN đã tham gia Hiệp hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp và tham gia Diễn đàn Các cơ quan Kiểm toán tối cao có mô hình Tòa Thẩm kế của INTOSAI… Những hoạt động tích cực này, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI, thành viên của Ủy ban Chia sẻ kiến thức ASEANSAI, đã góp phần củng cố hơn nữa vị thế của KTNN trong INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI…

5. Ký Quy chế phối hợp với HĐND, UBND các tỉnh, thành phố

Để công tác phối hợp giữa KTNN và các địa phương ngày càng thiết thực, hiệu quả, năm 2023, KTNN đã tiến hành sơ kết và ký Quy chế phối hợp công tác với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hà Nội.
 


Thông qua việc thực hiện chặt chẽ, bài bản, hiệu quả các nội dung của Quy chế phối hợp, công tác chỉ đạo, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công của các địa phương ngày càng minh bạch, đi vào nền nếp, bảo đảm các quy định của pháp luật, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sự phối hợp, đồng hành của HĐND và UBND các tỉnh, thành phố cũng giúp KTNN xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm đúng phương châm “gọn nhưng chất lượng”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và kiểm toán các chuyên đề toàn Ngành phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.

6. Những con số nổi bật về kết quả kiểm toán, thực hiện kiến nghị kiểm toán

Quyết liệt hành động với phương châm “gọn nhưng chất lượng”, tính đến ngày 15/12/2023, KTNN đã kết thúc 171 cuộc kiểm toán, phát hành 173 báo cáo kiểm toán đúng mục tiêu, tiến độ, đảm bảo chất lượng. Qua đó, KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản không phù hợp.
 


Kết quả thực hiện năm 2023 đối với các kiến nghị kiểm toán năm 2022 cũng có sự chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị xử lý tài chính là 57.060,65/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (trong khi cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đã được thực hiện.

7. KTNN chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế: Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”
 


Năm 2023, lần đầu tiên, KTNN chủ trì, phối hợp với một số Bộ tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Với 3 Hội thảo chuyên đề về quản lý đất đai và xác định giá đất; đầu tư công; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 1 Phiên toàn thể, Diễn đàn đã làm rõ các vấn đề đặt ra từ kết quả kiểm toán, nhận diện những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt.

Từ đó, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm góp phần tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế; đồng thời làm rõ vao trò, trách nhiệm của KTNN trong xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát và hỗ trợ việc thực thi pháp luật.

8. Hoàn thành việc triển khai Hệ thống công khai báo cáo kiểm toán của KTNN theo hình thức điện tử

Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, KTNN đã tăng cường và đa dạng các hình thức công khai thông tin kết quả kiểm toán, đặc biệt là cung cấp báo cáo kiểm toán theo hình thức điện tử. Ngay sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Công văn số 467/KTNN ngày 09/5/2023 về số hóa báo cáo kiểm toán để cung cấp đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đến ngày 22/5/2023, KTNN đã hoàn thành Hệ thống công khai báo cáo kiểm toán theo hình thức điện tử tại địa chỉ: http://congkhaibckt.sav.gov.vn
 

Để tạo thuận lợi và nâng cao tính bảo mật, KTNN đã cấp tài khoản truy cập Hệ thống cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách theo danh sách do Văn phòng Quốc hội đề nghị. Tính đến ngày 20/11/2023, KTNN đã số hóa 387 báo cáo kiểm toán phát hành trong năm 2022, 2023 phục vụ cho các đại biểu Quốc hội khai thác thông tin.

9. Lần đầu tiên, KTNN tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực kiểm toán viên
 


Năm 2023, lần đầu tiên, KTNN tổ chức Kỳ thi đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán cho công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc. Với tổng số 553 thí sinh tham dự, KTNN đã tổ chức 14 ca thi, tại 3 cụm: Cụm miền Bắc - Hà Nội (các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực I, II, VI, VII, X, XI); Cụm miền Trung - Đà Nẵng (KTNN khu vực III, VIII, XII); Cụm miền Nam - TP. Hồ Chí Minh (KTNN khu vực IV, V, IX, XIII).

Kết quả đánh giá cho thấy, 100% thí sinh có kết quả “Đạt”. Trong đó, một số đơn vị có tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao như: Văn phòng KTNN, Vụ Pháp chế, KTNN chuyên ngành Ia, KTNN chuyên ngành Ib… Đây là kết quả rất khả quan, cho thấy năng lực của đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước tương đối đồng đều, am hiểu kiến thức chuyên môn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán. Thành công của kỳ đánh giá là tiền đề quan trọng để KTNN tiến tới tổ chức đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán định kỳ hằng năm và hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của KTNN./.

Theo Báo Kiểm toán số 1/2024

Xem thêm »