Chương trình hành động của Kiểm toán nhà nước thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP

29/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 204/QĐ-KTNN ban hành Chương trình hành động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL


Quyết định nêu rõ, việc ban hành Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024 của Chính phủ thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN.

Theo đó, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

11 nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Chương trình hành động của KTNN đặt ra 11 nhiệm vụ chung.

Một là, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để chủ động triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành khoa học, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, trong đó tập trung:

Xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2024 khoa học, hiệu quả, lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối đảm bảo tránh trùng lắp, chồng chéo; đồng thời giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán. Bố trí nhân sự tham gia đoàn kiểm toán, tham gia thảo luận dự toán NSNN đảm bảo hoạt động kiểm toán đạt mục tiêu “chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn theo kế hoạch của ngành; nâng cao chất lượng khảo sát lập KHKT của cuộc kiểm toán để thu thập đầy đủ thông tin, phân tích kỹ nhằm đánh giá đúng các rủi ro kiểm toán, xác định trọng yếu kiểm toán sát thực; bám sát kế hoạch, đề cương giám sát, ưu tiên triển khai sớm các Đoàn kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH; cân đối lực lượng và thời gian kiểm toán để tổ chức thực hiện Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngành, trả lời kiến nghị của đơn vị được kiểm toán và các nhiệm vụ khác trong năm...

Nâng cao trách nhiệm phối hợp công tác giữa đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và đơn vị phối hợp trong quá trình thực hiện kiếm toán, nhất là cách thức xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong suốt quá trình kiểm toán, nhằm đạt được mục tiêu Báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề có chất lượng, phản ánh đúng thực tế, những mặt đạt được cũng như những bất cập, hạn chế, yếu kém và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để Quốc hội, Chính phủ căn cứ có những quyết sách chính xác trong thời gian tới, qua đó nâng cao vị thế của Kiểm toán nhà nước.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm KSCLKT, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành; tiếp tục chú trọng kiểm soát tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán, chỉ rõ những bất cập trong kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán, đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đầy đủ bằng chứng, rõ ràng và đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và HĐND các cấp.

Hai là, tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nằng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trọng tâm là: Rà soát, sửa đổi Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán đảm bảo gọn, giảm thiểu thủ tục hành chính song vẫn đáp ứng tốt yêu cầu quản lý; nâng cao chất lượng xây dựng các đề cương hướng dẫn kiểm toán đối với lĩnh vực kiểm toán mới để triển khai thống nhất trong toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.

Trong quá trình kiểm toán cần tập trung đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến đời sống kinh tế - xã hội nhằm phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán, quyết toán NSNN đế làm căn cứ Quốc hội quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm và HĐND phê chuẩn quyết toán NSĐP.

Phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán, kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện và tổ chức công khai danh sách các đơn vị không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm KSCLKT, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của Luật KTNN và quy định của ngành; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý sai phạm. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh toàn diện. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kiên quyết xử lý nghiêm những công chức có hành vi, thái độ nhũng nhiễu, vụ lợi, gây phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán, vi phạm kỷ luật công vụ.

Ba là, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc ứng dụng CNTT về chuyển đổi số vào hoạt động công vụ.

Tăng cường việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực và các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán để nâng cao hiệu quả kiểm soát, chất lượng các BCKT; phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán; phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động; tiếp tục triển khai các dự án CNTT theo kế hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện tốt Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 chất lượng, hiệu quả; đổi mới phương pháp giảng dạy, tập trung đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết để vận dụng trong thực tiễn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức có liên quan đến công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiêu cực; tăng cường tọa đàm, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm theo lĩnh vực kiểm toán. Bên cạnh đó, tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, đào tạo về các vấn đề, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán mới, tiên tiến với các chuyên gia quốc tế; tăng cường đào tạo kiểm toán lĩnh vực CNTT, kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề có hiệu quả.

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cần tiếp tục đổi mới, tập trung đi sâu nghiên cứu các chủ đề, lĩnh vực nhằm phục vụ thiết thực cho các hoạt động kiểm toán, đặc biệt là những lĩnh vực kiểm toán trọng tâm của ngành, bám sát mục tiêu chiến lược của KTNN; đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu các đề tàiNCKH.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong hoạt động của ngành; có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để thu hút nhân tài; thực hiện hợp lý công tác luân chuyển cán bộ theo quy định; xử lý nghiêm kiểm toán viên không tuân thủ đầy đủ Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Chuẩn mực Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp của ngành, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lưong theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng 2018, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị và của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa, ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, thực hiện nghiêm Quy định 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đảm bảo xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước phải“pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tình thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên quan tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người Kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.

Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định; triển khai có hiệu quả các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ.

Thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù họp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đầy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước theo dự toán, kế hoạch giao, bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và điều kiện bố trí vốn theo quy định; cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên. Tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ. Xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ công chức, người lao động nâng cao giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và lòng tự tôn nghề nghiệp; lựa chọn, bố trí công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhận các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; không bố trí tham gia đoàn kiểm toán đối với những người có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm trường hợp làm kiểm toán ngoài phạm vi. Nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghê nghiệp của đơn vị được kiểm toán...

Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của cơ quan KTNN trên trường quôc tế.

Tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của KTNN Việt Nam trong ASOSAI và INTOSAI, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số cơ quan kiểm toán chiến lược, có thế mạnh trên một số lĩnh vực mà KTNN Việt Nam đang cần trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm; tăng cường năng lực chuyên môn đối ngoại, trình độ ngoại ngữ, kiến thức, tích cực học tập kinh nghiệm quốc tế trong những lĩnh vực kiểm toán mới để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán và hội nhập quốc tế của KTNN.

Bảy là, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội.

Tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và HĐND các cấp; gương người tốt, việc tốt trong nội bộ ngành và các đơn vị khác qua hoạt động kiểm toán của KTNN; tạo các chuyên trang, chuyên đề là diễn đàn về lĩnh vực kiểm toán cho các Kiểm toán viên tham gia, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; các sự kiện kinh tế - chính trị - xã hội lớn; các kỳ họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Tăng cường và đa dạng hóa hình thức công khai kết quả kiểm toán nhằm lan tỏa thông tin, nâng cao tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán. Phối họp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội và các đơn vị trong ngành để thông tin, tuyên truyền về các hoạt động trọng tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và về tổ chức và hoạt động của KTNN.

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao.

Chín là, thực hiện các yêu cầu về tiết kiệm, chống lãng phí theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn; Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Mười là, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán giao.

Mười một là, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024.

Hà Linh
 

Xem thêm »