(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực IV luôn đề cao vai trò phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) các địa phương trong giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, đảm bảo minh bạch, hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đây là chia sẻ của Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Trần Khánh Hòa với phóng viên Báo Kiểm toán trong cuộc phỏng vấn đầu Xuân.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Trần Khánh Hoà trao tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước cho 5 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành năm 2023
Thưa ông! KTNN khu vực IV phụ trách kiểm toán 4 tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ rất năng động và đang có quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Theo ông, điều này tác động như thế nào đến việc lập kế hoạch kiểm toán (KHKT) của đơn vị?
KTNN khu vực IV được giao phụ trách kiểm toán TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Tây Ninh. Đây đều là các địa phương rất năng động, đóng góp khoảng 45% thu ngân sách, 32% GDP cả nước… Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước. Do đó, việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến sai sót, tham nhũng và lãng phí do thiếu sự kiểm tra, giám sát kịp thời, hữu hiệu.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng này, thời gian qua, việc lập KHKT (trung hạn, hằng năm) của đơn vị đều được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, khoa học và đồng bộ. Các đầu mối, chủ đề được lựa chọn đều được xác định trên cơ sở phân tích kỹ thông tin và đánh giá các rủi ro của nền kinh tế nói chung cũng như hoạt động của từng đơn vị được kiểm toán nói riêng; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách tài chính-tiền tệ liên quan đến niên độ được kiểm toán và những vấn đề đang được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội quan tâm, như: Việc quản lý và cơ chế thực hiện các dự án BOT, BT; chi dịch vụ công ích; quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản... Việc bám sát và đồng hành với các địa phương, việc công khai KHKT trước khi thực hiện cũng giúp đơn vị xác định đúng những vấn đề trọng yếu dựa trên đánh giá rủi ro khi lựa chọn chủ đề, đầu mối kiểm toán.
Ông có thể cho biết: Kết quả kiểm toán hằng năm có ý nghĩa như thế nào đối với các địa phương trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách cũng như quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng?
Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra những khoản dự toán thu còn thiếu, lập chưa sát, chưa bao quát hết nguồn thu, hoặc những khoản chi chuyển nguồn, cải cách tiền lương không phù hợp, góp phần hoàn thiện dự toán chất lượng hơn, sát với tình hình phát triển kinh tế địa phương.
KTNN khu vực IV xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính, trước hết là thông tin trên báo cáo tài chính của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; cung cấp báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) đảm bảo độ tin cậy cao để HĐND các cấp làm cơ sở xây dựng dự toán, phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm, phê duyệt báo cáo quyết toán dự án đầu tư và quyết định những vấn đề kinh tế quan trọng khác.
Ngoài kiến nghị xử lý tài chính, KTNN khu vực IV đã phát hiện những lỗ hổng của cơ chế chính sách, sự thiếu đồng bộ, nhất quán giữa các quy định từ Trung ương đến địa phương, qua đó kiến nghị giải pháp kịp thời, khách quan để cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định cho phù hợp. Điều này giúp các địa phương nhận thức đúng và trúng hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo tài chính công, tài sản công được quản lý ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Vậy, KTNN khu vực IV đã và sẽ phối hợp như thế nào với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố để tăng cường giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, đảm bảo hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công, thưa ông?
Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, thời gian qua, KTNN khu vực IV đã chủ động, tích cực phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp như: Phối hợp, tham khảo ý kiến của Thường trực HĐND trong việc xây dựng KHKT hằng năm, trung hạn; thông báo KHKT hằng năm; xem xét, quyết định việc thực hiện kiểm toán theo đề nghị của Thường trực HĐND, nhất là những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thường xuyên trao đổi với Thường trực HĐND về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp xử lý; đề nghị Thường trực HĐND cung cấp các văn bản chỉ đạo, điều hành NSĐP, các kết quả giám sát trong năm để có thêm thông tin phục vụ cho việc kiểm toán; mời đại diện Thường trực HĐND tham gia họp triển khai và kết luận kiểm toán; gửi Báo cáo kiểm toán cho Thường trực HĐND để sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ NSĐP; phê chuẩn quyết toán NSĐP; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và giám sát, chỉ đạo việc thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN.
Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý, điều hành NSĐP và kết quả hoạt động kiểm toán như: Các báo cáo kiểm toán, báo cáo giám sát theo yêu cầu; tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương, cho ý kiến đối với các phát hiện và kiến nghị trong báo cáo quyết toán NSĐP, báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng NSĐP; tham gia các phiên họp HĐND (khi được mời), góp ý các dự thảo luật khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức; phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn các chủ đề liên quan đến quản lý, sử dụng NSNN; tham gia ý kiến với Thường trực HĐND trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách khi được đề nghị.
Tóm lại, KTNN khu vực IV luôn đề cao vai trò phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương trong giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, đảm bảo minh bạch, hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Thời gian tới, để hoạt động này thực chất hơn, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp sâu hơn nữa về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực về kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Từ khi thành lập đến nay, KTNN khu vực IV đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 80.611 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 32.963 tỷ đồng, giảm chi NSNN khoảng 13.368 tỷ đồng. Theo đó, mỗi kiểm toán viên thông qua thực hiện kiểm toán đã góp phần tiết kiệm cho NSNN bình quân gần 18 tỷ đồng/kiểm toán viên/năm.
Một số phần thưởng cao quý của KTNN khu vực IV: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005), 3 lần Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ… |