Phiên họp có sự tham dự của các đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Ban cán sự đảng KTNN; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc: Vụ Pháp chế, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra KTNN, Văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể; Văn phòng KTNN, các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực I…
Tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp chế đã báo cáo về công tác xây dựng và Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa KTNN, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động KTNN.
Thông tin về sự cần thiết ban hành Thông tư liên tịch, theo Vụ Pháp chế, theo Điều 118 của Hiến pháp, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Bên cạnh trách nhiệm kiểm tra, xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính và các thông tin tài chính, Luật KTNN, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng xác định KTNN là một trong những cơ quan có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, tội phạm.
Tại khoản 5, Điều 5 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan thanh tra, KTNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự”.
Tuy nhiên, trước năm 2020 (khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung), Tổng KTNN chưa có thẩm quyền ban hành thông tư liên tịch nên việc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng có vướng mắc, bất cập về cơ chế phối hợp, nhất là việc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc trao đổi thông tin, tài liệu, xử lý và thông báo kết quả xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng do KTNN phát hiện. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN nói chung và với vai trò là một cơ quan có trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Cũng theo Vụ Pháp chế, Luật KTNN tại khoản 12 Điều 10 quy định trách nhiệm của KTNN như sau: “Chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán”. Cùng với đó, Điều 65, Luật KTNN quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, do KTNN phát hiện và kiến nghị”.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng có quy định cụ thể về trách nhiệm và sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng.
Năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì tổ chức soạn thảo và lấy ý kiến của KTNN về dự thảo Thông tư liên tịch. Tuy nhiên, thời điểm đó, Tổng KTNN chưa có thẩm quyền ban hành thông tư liên tịch với các cơ quan liên quan nên KTNN không tham gia ký Thông tư liên tịch.
“KTNN là lĩnh vực đặc thù, hệ thống pháp luật hiện hành còn những khoảng trống pháp lý, thiếu đồng bộ, thiếu những quy định làm cơ sở nền tảng để KTNN thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Do vậy, để triển khai và bảo đảm thực hiện có hiệu lực các quy định của Luật KTNN, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng, việc ban hành Thông tư liên tịch phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động KTNN là rất cần thiết” - Vụ Pháp chế nêu.
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những nội dung cụ thể tại Dự thảo Thông tư liên tịch.
Đại diện các Ban Đảng của Trung ương cũng đã có ý kiến bày tỏ đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của KTNN trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch; đồng thời góp ý thêm về những ý kiến trao đổi tại phiên họp.
Trên cơ sở những ý kiến trao đổi, thảo luận tại phiên họp, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã cho ý kiến về từng nội dung cụ thể.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Vụ Pháp chế, các thành viên tham gia tổ soạn thảo trong việc xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch; đồng thời nhấn mạnh, Dự thảo vẫn còn có những điểm cần tiếp tục được nghiên cứu, xem xét như phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc thực hiện… Do đó, đồng chí Ngô Văn Tuấn đề nghị tổ soạn thảo cần tiếp tục điều chỉnh, thiết kế lại, hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch để báo cáo Ban cán sự đảng KTNN./.
Tin, ảnh: Diệu Thiện