(sav.gov.vn) - Bên lề Hội nghị chuyên đề lần thứ 26 do Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) phối hợp tổ chức tại Áo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã tiếp xúc song phương với một số Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) nhằm tranh thủ sự vận động của các SAI đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam trong quá trình ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027; làm việc với Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) nhằm trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tiếp xúc song phương với Tổng Kiểm toán nhà nước Maldives. Ảnh: CTV
Với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng kiểm toán quốc tế, đồng thời tiếp nối sự thành công trong vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2015-2024), KTNN Việt Nam tiếp tục ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2024-2027 nhằm tăng cường năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên và nâng cao hình ảnh, tiếng nói của KTNN Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Nhân chuyến công tác tại Vienna, Áo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã tiếp xúc song phương với SAI Indonesia, Thái Lan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Maldives nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các SAI thành viên ASOSAI.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cảm ơn sự ủng hộ của các SAI trong giai đoạn KTNN Việt Nam đăng cai Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và đảm đương vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, ghi nhận những đóng góp tích cực của các SAI trong khuôn khổ hợp tác ASOSAI.
Trên cơ sở nền tảng quan hệ hợp tác gắn bó sâu sắc giữa KTNN Việt Nam và 3 SAI trên cả bình diện song phương và đa phương, KTNN Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các SAI trong việc ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 sẽ được quyết định tại Đại hội ASOSAI lần thứ 16 tháng 9/2024 tại Ấn Độ theo cơ chế bỏ phiếu.
Các SAI đánh giá cao những thành tựu KTNN Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn đảm đương vai trò Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021 và cơ bản thể hiện sự ủng hộ dành cho KTNN Việt Nam trong công tác ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI sắp tới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng có buổi làm việc với UNODC nhằm trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và tìm kiếm khả năng hợp tác giữa hai cơ quan.
Giới thiệu về hoạt động của KTNN Việt Nam trong lĩnh vực kiểm toán điều tra, phòng chống tham nhũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, KTNN Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và thẩm quyền trong công tác kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo các quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Kiểm toán nhà nước.
Việc nâng cao hiệu lực kiểm toán trong kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước được đặt ra là một trong các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ mong muốn hai cơ quan có thể tăng cường quan hệ hợp tác thông qua trao đổi, chia sẻ các nghiên cứu quốc tế và ấn phẩm của UNODC trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; đồng thời đề xuất UNODC gợi ý một số hoạt động KTNN Việt Nam có thể đóng góp tích cực cho công việc của UNODC nói riêng và của Liên hợp quốc nói chung.
Đại diện UNODC, bà Brigitte Strobel - Shaw, trưởng Ban Tội phạm kinh tế và tham nhũng thể hiện sự ủng hộ tích cực đối với KTNN Việt Nam trong nỗ lực chung tay với Chính phủ thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
Với vai trò là cơ quan giám sát của Liên hợp quốc, UNODC cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu, hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển và thực thi các giải pháp toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm ngăn chặn tham nhũng. UNODC sẵn sàng chia sẻ với KTNN Việt Nam các hướng dẫn hiện có liên quan đến công tác quản trị rủi ro và phòng, chống tham nhũng.
Bà Brigitte Strobel - Shaw đề xuất với mạng lưới rộng khắp trên 150 quốc gia, UNODC sẽ thúc đẩy sự hợp tác với KTNN Việt Nam thông qua tổ chức đại diện khu vực Đông Nam Á của UNODC được đặt tại Bangkok, Thái Lan, đồng thời bày tỏ hai cơ quan sẽ tích cực phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương trong khuôn khổ INTOSAI về chủ đề phòng, chống tham nhũng./.
Phương Liên