Tổ chức Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”

03/07/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 03/07, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2024).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Lộc

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngân; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Đặng Văn Thanh; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mao Lương Khôi; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh...

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo các địa phương Cao Bằng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Yên Bái, Lạng Sơn…Về phía KTNN còn có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng và các đồng chí nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hà Ngọc Son, Lê Hoàng Quân, Hoàng Hồng Lạc, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh.
 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Lộc

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ sự vui mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các đại biểu, khách quý tham dự Hội thảo và các đồng chí lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của KTNN. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước.

Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng vào những năm 1990, công tác quản lý tài chính ngân sách của đất nước có nhiều thay đổi, thích ứng với công cuộc đổi mới, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước và đặc biệt thích ứng với các thông lệ quốc tế, chúng ta đã được chứng kiến sự ra đời của luật Ngân sách nhà nước, các luật về thuế, luật về KTNN, sự ra đời của các tổ chức chuyên biệt trong ngành tài chính như kho bạc, thuế, hải quan và đặc biệt là KTNN.

Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo KTNN, công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Từ một cơ quan “giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp”, địa vị pháp lý là cơ quan thuộc Chính phủ, khuôn khổ pháp lý hoạt động là Nghị định của Chính phủ, KTNN đã vươn lên trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Địa vị pháp lý được hiến định tại Hiến pháp 2013; hoạt động theo Luật KTNN. Chúng ta đã có một bước tiến rất lớn trong việc xác định địa vị pháp lý cũng như chức năng, vai trò của KTNN.

Xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên. KTNN ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…

Kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém; kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động của KTNN cũng đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.

“30 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, KTNN đã đạt được những thành tựu to lớn, luôn giữ vững giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị của quốc gia. Uy tín, vị thế của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế và các nước cũng ngày càng được khẳng định và nâng cao” - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội thảo sẽ tổng kết, đánh giá chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, những khó khăn, thách thức, dấu ấn và thành tựu, những bài học kinh nghiệm để hướng tới tương lai phát triển bền vững của KTNN.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu đề dẫn. Ảnh: Nguyễn Lộc

Trân trọng cảm ơn sự có mặt của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu đã đến dự Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là dịp để ngành KTNN qua mỗi thế hệ cùng quý vị đại biểu, các vị khách quý sẻ chia, tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, những thành tựu trên con đường phát triển của Kiểm toán nhà nước trong 30 năm qua. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về truyền thống vẻ vang của KTNN, để thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước phấn đấu, đưa ngành KTNN ngày một phát triển trên chặng đường tới.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, trên thế giới, KTNN đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhưng ở nước ta, vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế, hoạt động kiểm toán với tư cách là một hoạt động do các tổ chức độc lập chuyên nghiệp thực hiện kiểm tra, xác nhận và tư vấn công tác quản lý tài chính, kế toán bắt đầu xuất hiện. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của KTNN vào ngày 11/7/1994 là tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước. 

Từ những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn từ con người đến cơ sở vật chất làm việc; nhưng với lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đến nay bộ máy hoạt động của KTNN đã được kiện toàn với 32 đơn vị (9 đơn vị tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 2 đơn vị sự nghiệp), với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng cũng là dấu ấn khi 100% Kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên; có trên 50% cán bộ, công chức có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.

Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. KTNN đã chú trọng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu đáng tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia ý kiến một cách có trách nhiệm và thiết thực giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm. Kết quả kiểm toán hằng năm của KTNN còn giúp cho cho hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện những bất cập của cơ chế chính sách, từ đó đưa ra ý kiến giúp Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính công, tài sản công; quyết định các chính sách kinh tế, tài chính quan trọng của quốc gia.
 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.LỘC

Để Hội thảo thành công và chất lượng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến, nhiều nguồn tư liệu để góp phần làm sâu sắc thêm những nét riêng, độc đáo, ấn tượng sâu sắc trong quá trình xây dựng và phát triển của KTNN và những bài học kinh nghiệm qua 30 năm xây dựng và phát triển.

Đồng thời, trao đổi, đề xuất những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển KTNN để khẳng định vai trò, vị thế là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của KTNN qua các thời kỳ chia sẻ, đóng góp những kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn để tham gia góp ý xây dựng KTNN ngày càng vững mạnh./.

Hồng Thoan - Lưu Hường

 

Xem thêm »