Định hướng tương lai Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới

03/07/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nhiều đại biểu, khách mời đã chia sẻ những quan điểm, bày tỏ những mong muốn gửi gắm tới Kiểm toán nhà nước thông qua tham luận, Tọa đàm về “Kiểm toán nhà nước: Những dấu ấn hôm nay, Kỳ vọng và định hướng tương lai đáp ứng yêu cầu đổi mới” tại Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển” diễn ra ngày 03/7, tại Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Lộc

Tham luận tại Hội thảo, từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, tôi đánh giá rất cao công tác phối hợp của KTNN đối với địa phương, cũng như các kiến nghị kiểm toán của KTNN và chúng tôi mong được kiểm toán càng sớm càng tốt.

Chia sẻ về những mong muốn của địa phương, ông Thi cho biết, thứ nhất, tỉnh Thanh Hóa mong KTNN tiếp tục quan tâm và tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để các cơ quan Trung ương có thể ban hành cơ chế, chính sách sát hơn. Thứ hai, chúng tôi mong KTNN tiếp tục quan tâm, phối hợp với tỉnh để giúp kiểm soát tốt ngân sách địa phương, các dự án đầu tư công và tài sản công. Đồng thời, mong KTNN tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các sở, ngành, các địa phương về những lĩnh vực phức tạp như đất đai, tài sản công, môi trường, khoáng sản... Đặc biệt, đối với các kiến nghị kiểm toán khó thực hiện do tính khách quan, đề nghị KTNN quan tâm, giải quyết dứt điểm, không để kéo dài...

Đại diện tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, theo thời gian, tần suất các cuộc kiểm toán không tăng, nhưng quy mô cuộc kiểm toán được lồng ghép các chuyên đề sâu, phù hợp thực tiễn; nhiều cuộc kiểm toán đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đưa ra những ý kiến tư vấn thiết thực định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán không chỉ dừng lại ở con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước, quan trọng hơn, hoạt động kiểm toán giúp các đơn vị được kiểm toán đã và đang khắc phục những hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống kiểm soát.
Tỉnh Cao Bằng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ nhiều hơn từ KTNN, gần hơn là sự phối hợp, hỗ trợ của KTNN khu vực X.
 
Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh  cho rằng, trước mắt, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Lộc

Từ phía cơ quan của Quốc hội, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội - đề xuất, thứ nhất, KTNN cần trình cấp có thẩm quyền cho phép sửa đổi, bổ sung quy định của Luật KTNN, bổ sung ban hành các nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới và chuẩn bị cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ tài liệu theo quy định; UBTCNS phối hợp thẩm tra các nội dung đề xuất của KTNN, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để giúp KTNN hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo đó, đề nghị KTNN đặc biệt quan tâm đến việc đề xuất bổ sung các quy định về điều kiện, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật KTNN; các quy định tăng cường trách nhiệm của các bên có liên quan trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý những tồn tại của các kiến nghị không có khả năng thực hiện; các điều kiện về cơ sở pháp lý, tổ chức, nguồn lực để thích ứng với sự thay đổi của môi trường quản lý và đối tượng kiểm toán trong thời đại công nghiệp 4.0…

Thứ hai, từ thực tiễn kết quả kiểm toán và đòi hỏi của nhiệm vụ quản lý, KTNN cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và đề xuất những vấn đề trọng tâm, trọng yếu, trọng điểm liên quan đến yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công; những vấn đề cần tăng cường quản lý nguồn lực công quốc gia; những chính sách và giải pháp cần chủ động hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để phối hợp với UBTCNS báo cáo cấp có thẩm quyền lựa chọn các giải pháp thích hợp, chủ động xử lý từ sớm, từ xa hoặc có những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro, thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân và xã hội. Trong đó, KTNN cần chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với UBTCNS dựa trên khả năng, năng lực, thế mạnh từ khai thác kết quả kiểm toán của mình.

Nhấn mạnh KTNN có vai trò rất quan trọng, là cơ quan chuyên môn trong kiểm tra tài chính, tài sản công của quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều khuyến nghị thiết thực và hiệu quả của KTNN, giúp Ủy ban thực hiện tốt hoạt động quản lý vốn và tài sản nhà nước.
 
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành và giúp đỡ của KTNN với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong 16 lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu để các tập đoàn, tổng công ty đảm bảo cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó cũng giúp Ủy ban thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao - Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: TL

Cùng với những mong muốn hoàn thiện quy định pháp lý về KTNN, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cũng bày tỏ, trước mắt, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán. Ví dụ, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần bổ sung một số quy định cho KTNN, như: kiểm toán trách nhiệm kinh tế, kiểm toán điều tra hay là các thẩm quyền để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong trường hợp KTNN phát hiện ra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về thời hạn, thời hiệu trong hoạt động kiểm toán, ví dụ như thời hạn bao lâu thì không khiếu nại, khiếu kiện, hoặc trong trường hợp những kết luận, kiến nghị kiểm toán không còn điều kiện để thực hiện thì thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước như thế nào, hoặc cơ quan nào tiếp tục theo dõi và KTNN không phải theo dõi các kết luận, kiến nghị kiểm toán đó nữa.

Hơn nữa, trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, cần bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; việc tích hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số.

Đặc biệt, tới đây, theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình, hồ sơ kiểm toán. Trước mắt là rà soát và bổ sung các quy định theo Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; xây dựng Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, KTNN trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán./.

THÙY ANH - PHÚC KHANG
 

Xem thêm »