Tham dự cuộc họp có: ông Vũ Văn Cường - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII; bà Phạm Thị Thu Hà - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; các Phó Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Trường.
Báo cáo kết quả công tác trong 7 tháng năm 2024, Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc cho biết: Tính đến tháng 7/2024, Trường đã tổ chức 46 lớp đào tạo, bồi dưỡng, đạt 55,4% kế hoạch năm. Trong đó, có 19 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, 11 lớp hướng dẫn sử dụng phần mềm, 02 lớp tập huấn đề cương kiểm toán theo hình thức trực tuyến, 03 lớp kỹ năng nắm bắt tâm lý, 01 lớp quốc phòng an ninh đối tượng 4 và 03 lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Theo kế hoạch, trong tháng 8/2024, Trường sẽ tổ chức 11 lớp đào tạo.
Bên cạnh đó, Trường đã trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 03 giáo trình và 09 tài liệu bồi dưỡng sau khi đã được rà soát hoàn thiện, bổ sung sửa đổi theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Phối hợp với các đơn vị trong Ngành để thành lập các ban biên soạn và tổ chức triển khai biên soạn bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới 08 chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Trong tháng 01/2024, Trường chủ trì tổ chức Kỳ đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN năm 2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH),Trường đã tập trung đôn đốc các Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thành sản phẩm theo đúng tiến độ. Tính đến 30/7/2024 có 6/7 đề tài cấp Cơ sở năm 2023 hoàn thành tổ chức nghiệm thu, 5/15 đề tài cấp Bộ năm 2023 đã có sản phẩm và chuẩn bị gửi thẩm định để nghiệm thu.
Trường cũng đã tổ chức xét duyệt đề cương, thuyết minh và triển khai thực hiện đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở năm 2024; trình Lãnh đạo KTNN ký và ban hành Quyết định số 906/QĐ-KTNN ngày 21/5/2024 về việc phê duyệt Danh mục đề tài và phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học năm 2024.
Đặc biệt, trong tháng 7, Trường đã chủ trì tổ chức thành công Hội thảo cấp Bộ “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, được lãnh đạo KTNN và các đại biểu đánh giá cao cả về chất lượng, nội dung và công tác tổ chức.
Năm 2024 là năm thứ hai Trường thí điểm thực hiện cơ chế giao chỉ tiêu trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đảm bảo hoạt động có lãi đối với đào tạo ngoài ngành. Trong 7 tháng năm 2024, Trường đã tổ chức thành công 15 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và đại biểu dân cử thuộc HĐND các cấp địa phương; thu hút khoảng 2.327 học viên đăng ký tham dự. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cơ bản được các học viên đánh giá cao, công tác tổ chức được đánh giá bài bản, chuyên nghiệp.
Theo Giám đốc Trường Trần Kim Lộc, trong các tháng cuối năm, Trường sẽ tập trung tổ chức 44 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo kế hoạch đề ra; phối hợp với các Ban biên soạn bổ sung, sửa đổi 08 tài liệu bồi dưỡng, biên soạn mới 01 tài liệu và xây dựng 03 chương trình bồi dưỡng; rà soát, chỉnh sửa, cập nhật danh mục văn bản và ngân hàng câu hỏi, đáp án của Kỳ đánh giá chuyên môn, nghiệm vụ kiểm toán hàng năm.
Tiếp tục tổ chức nghiệm thu các đề tài NCKH năm 2023; triển khai và hướng dẫn thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Bộ và cấp Cơ sở 2024; hoàn thiện Kế hoạch NCKH năm 2025 (xét chọn đề tài, lựa chọn và quyết định hoạt động hội thảo khoa học 2025). Tổ chức hội thảo cấp Bộ năm 2024 “Đẩy mạnh cơ cấu lại tài chính công và vai trò của KTNN”.
Đối với đào tạo ngoài ngành, dự kiến tổ chức từ 5-10 lớp đào tạo; hợp tác với Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh triển khai 2-3 lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đối tượng là cán bộ ngân hàng; dự kiến khai thác, tổ chức 02 khóa học “Ứng dụng AI trong quản lý và điều hành công ty” và “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh nâng cao hiệu quả làm việc”; phối hợp với các đơn vị triển khai khóa đào tạo, bồi dưỡng cho UBND tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương khi có yêu cầu.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, đồng thời khắc phục các khó khăn, vướng mắc, Trường kiến nghị lãnh đạo KTNN và các đơn vị liên quan tạo điều kiện bổ sung nguồn nhân lực cho Trường đặc biệt là đội ngũ giảng viên để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, NCKH; phối hợp với Trường đẩy nhanh tiến độ cải tạo và bàn giao các trụ sở làm việc; phê duyệt chủ trương đầu tư phần mềm quản lý đào tạo và NCKH.
Ghi nhận những kết quả Trường đạt được trong thời gian qua và nhất trí cao với các kiến nghị, đề xuất tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh: Hoạt động của Trường trong thời gian tới phải đảm bảo tính hiệu quả, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với hoạt động đào tạo, Trường tập trung triển khai các lớp theo Kế hoạch đề ra. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, lên kế hoạch cụ thể để khai thác, sử dụng, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, phòng học ở cả 3 cơ sở (Hà Nội, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh).
Phối hợp với KTNN chuyên ngành VII, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, ACCA để nghiên cứu, đề xuất tổ chức các lớp đào tạo cho kiểm toán viên KTNN và các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các tổ chức bên ngoài, cụ thể như: đào tạo ngoại ngữ cho kiểm toán viên, đào tạo lĩnh vực ngân hàng cho các các bộ ngân hàng, đào tạo về ứng dụng AI… Các chương trình đào tạo phải đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với hoạt động của KTNN cũng như các đơn vị ngoài ngành, cân đối về thời gian, nhân lực của KTNN với các đơn vị phối hợp.
Đối với Khóa đào tạo cho kiểm toán viên KTNN Lào, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng yêu cầu Trường lên kế hoạch cụ thể, đảm bảo hợp lý về thời gian, địa điểm, giảng viên của KTNN tham gia giảng dạy, công tác quản lý lớp học; hỗ trợ tối đa các học viên về ăn, ở, đi lại và tham gia các buổi trải nghiệm thực tế.
Trong công tác quản lý NCKH và đào tạo, Trường phối hợp chặt chẽ với Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin để rà soát các phần mềm, ứng dụng; có đề xuất cụ thể những nội dung cần bổ sung để cập nhật phần mềm, hướng tới xây dựng một mô-đun hoàn chỉnh quản lý toàn bộ công tác đào tạo và NCKH. Cùng với đó, Trường phối hợp với Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin số hóa toàn bộ hồ sơ và các đề tài NCKH đã nghiệm thu, đảm bảo tính khoa học khi lưu trữ và tìm kiếm thông tin.
Tin và ảnh: Nguyễn Ly