Kết quả kiểm toán là “điểm tựa” để phòng ngừa tham nhũng từ sớm, từ xa

26/09/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá, trong năm 2024, với việc tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực cho công tác giám sát của Quốc hội, UBTVQH. Kết quả kiểm toán là kênh thông tin quan trọng giúp cho các địa phương, đơn vị được kiểm toán phát hiện ngăn chặn rủi ro, tham nhũng từ sớm, từ xa…


Kiến nghị xử lý tài chính hơn 11.200 tỷ đồng

Báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2024 và Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2025 của KTNN, diễn ra chiều 23/9, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, tính đến ngày 30/8/2024, KTNN đã tổ chức xét duyệt 109 KHKT, triển khai 100 đoàn kiểm toán, trong đó 65 đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 85 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT), đã phát hành chính thức 81 BCKT.

Trong đó, KTNN đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như: Chuyên đề “Việc triển khai thực hiên, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”; chuyên đề “Việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội”… “Dự kiến, KTNN sẽ hoàn thành 100% KHKT năm 2024 theo đúng tiến độ đã đề ra” - Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 83 BCKT đã phát hành đến ngày 30/8/2024 (gồm: 81 BCKT thuộc KHKT năm 2024 và 2 BCKT thuộc KHKT năm 2023 chuyển sang), KTNN đã kiến nghị 11.246 tỷ đồng; trong đó: Tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 383 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.987 tỷ đồng, kiến nghị khác 7.876 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp thuộc 75 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý (trong đó: 1 Luật, 3 Nghị định, 7 Thông tư, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 59 văn bản khác)…

Ngoài ra, KTNN đã chuyển 1 hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra, làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn; cung cấp 206 hồ sơ, BCKT và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, KTNN đã số hóa và cung cấp 42 BCKT đã phát hành (không bao gồm các BCKT phát hành theo chế độ Mật) trên Cổng thông tin điện tử https://congkhaibckt.sav.gov.v... cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đánh giá cao hiệu quả hoạt động với nhiều đổi mới của KTNN, tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Trong năm qua, KTNN đã góp phần rất quan trọng trong việc cung cấp các thông tin, số liệu, các kết quả, kết luận kiểm toán để phục vụ cho các cơ quan có thẩm quyền, có chức năng trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Các đoàn giám sát của Quốc hội đã sử dụng rất nhiều kết quả kiểm toán. Đây là những đánh giá rất hiệu quả, rất thiết thực”. Tổng Thư ký Quốc hội cũng nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của KTNN, nhất là việc đầu tư xây dựng các khu lưu trú, nhà ở cho cán bộ, kiểm toán viên được điều động, luân chuyển công tác.
 

5 năm liền tôi đều nhận được báo cáo đánh giá của KTNN gửi riêng cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Tôi đề nghị báo cáo của KTNN cần nhấn mạnh thêm nội dung này và có thể đưa thêm một số cách làm mới trong thời gian tới. Cách làm này đã giúp cho địa phương và giúp cho chúng tôi nhiều hơn. Tôi thấy đây là một “điểm tựa” rất tốt, giúp cho lãnh đạo, nhất là người đứng đầu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngăn chặn và đặc biệt là không bị mất cán bộ, góp phần vào việc phát triển địa phương.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải

Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của KTNN với các Bộ, ngành, địa phương. Dưới góc độ từng là lãnh đạo địa phương, bà Hải cho rằng, công tác kiểm toán hết sức quan trọng, giúp cho lãnh đạo địa phương trong việc phát hiện, phòng ngừa các tham nhũng, tiêu cực, cũng như trong việc thực hiện các chính sách.

“Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, hằng năm, tôi đều nhận được báo cáo như là một thư riêng của đồng chí Tổng Kiểm toán nhà nước; trong đó có nêu những kết quả đạt được, những bất cập của công tác điều hành, chi tiêu ngân sách và cũng đưa ra những kiến nghị đối với người đứng đầu ở địa phương. Tôi đánh giá rất cao công tác này của KTNN và mong muốn đồng chí Tổng Kiểm toán nhà nước phát huy thêm nội dung này. Đây là một kênh riêng giúp cho các đồng chí bên khối Đảng để lãnh đạo về mặt chủ trương và đặc biệt phát hiện từ sớm, từ xa, để ngăn chặn những biểu hiện có những nguy cơ rủi ro, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, cũng như có thể dẫn tới những vi phạm pháp luật và mất cán bộ” - bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán

Liên quan đến vấn đề thực hiện kiến nghị kiểm toán, báo cáo của KTNN cho biết, tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 30/8/2024 là 33.099,5 tỷ đồng/49.941,3 tỷ đồng, đạt 66,3%; đã thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế, chính sách là 12/198 văn bản; 44/107 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán là vấn đề đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Do đó, bà Nga đề nghị KTNN làm rõ thêm kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; trong đó, báo cáo bổ sung danh mục cụ thể và nêu rõ cơ quan, đơn vị nào chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN; làm rõ nguyên nhân việc chậm thực hiện các kiến nghị kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024 nên KTNN cần đẩy nhanh việc xử lý kiến nghị kiểm toán. “KTNN cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán. Sau khi ban hành kết luận kiểm toán rồi thì vấn đề quan trọng nhất là các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện kiến nghị theo quy định của Luật KTNN”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chia sẻ, KTNN đang cố gắng triển khai mạnh mẽ vấn đề thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong thời gian tới, Ngành sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị kiểm toán và công khai kịp thời, đầy đủ danh sách các đơn vị chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định. “Kết thúc kiểm toán năm 2024, KTNN sẽ tổ chức lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2024 và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 để báo cáo Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền và tổ chức công khai theo quy định của Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN” - Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh vấn đề phải thực hiện phòng, chống tham nhũng trong nội bộ Ngành. Theo đó, KTNN đã đưa ra tiêu chí đạo đức công vụ là số 1 và luôn thực hiện sát sao chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương./.

Nguyễn Hồng - Theo Báo Kiểm toán số 39/2024

Xem thêm »