Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

03/10/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 3/10/2024 về việc thực hiện Nghị quyết số 132/2024/QH15 ngày 24/6/2024 của Quốc hội về bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022.

Chỉ thị nêu rõ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 132/2024/QH15 về bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; theo đó Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tài chính, ngân sách nhà nước; nhờ đó quản lý thu, chi ngân sách nhà nước được tăng cường, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán cao, chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư; các chỉ tiêu nợ công giảm tỷ trọng so với GDP và trong giới hạn cho phép; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các quy định pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước. 

Để nâng cao kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính - NSNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (bộ, cơ quan trung ương), Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (địa phương) tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung yêu cầu trong công tác lập, chấp hành, thực hiện dự toán, quyết toán NSNN đã nêu tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN.

Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng NSNN. Tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu, chi NSNN sát thực tế, lập dự toán chi NSNN bảo đảm phù hợp với yêu cầu và khả năng thực hiện để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn NSNN. 

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Báo cáo nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31/12/2023.

Bên cạnh đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lập dự toán, quản lý, sử dụng NSNN bảo đảm đúng quy định của pháp luật về NSNN.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân không chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lập, chấp hành dự toán ngân sách; lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 chậm so với thời hạn quy định. Trên cơ sở đó, kiểm điểm các tập thể, cá nhân có vi phạm.

Về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương rà soát các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán niên độ NSNN năm 2022 trở về trước để thực hiện đầy đủ. Trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì phải có báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 
 
Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán NSNN niên độ 2022 và các năm trước gửi về Bộ Tài chính cùng với Báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 theo quy định tại khoản a điểm 7 Chỉ thị số 22/CT-TTg. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND các tỉnh: Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết toán NSNN năm 2022. 

Kiểm tra, rà soát các khoản chi thường xuyên cho hoạt động mua sắm trang thiết bị của Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện các vi phạm. Báo cáo kết quả thực hiện cùng với báo cáo quyết toán NSNN năm 2023.  

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi, đánh giá sát tiến độ thu, chi NSNN (bao gồm cả số thu, chi chuyển nguồn) để tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ số vay và trả nợ gốc và lãi các khoản vay, kiểm soát bội chi NSNN, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. 

Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật NSNN và các luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Tài chính chủ trì đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; tổng hợp chung báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trình Chính phủ, Quốc hội cùng với báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Quốc hội việc xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSNN theo quy định của Luật Đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2022, số nợ phát sinh và dồn tích tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2023 và ngày 31 tháng 12 năm 2024.  

Hà Linh

Xem thêm »