Nỗ lực đóng góp thiết thực và hiệu quả trên cương vị thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI

17/10/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 16, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam vinh dự được bầu trở thành thành viên Ủy ban Kiểm toán (UBKT) ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm hội nhập quốc tế về chuyên môn của KTNN Việt Nam. Đây là nhấn mạnh của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung khi trao đổi với Báo Kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung

Đại hội ASOSAI lần thứ 16 tại Ấn Độ vừa thành công tốt đẹp. Xin Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ đôi nét về kết quả của kỳ Đại hội lần này?

Đại hội ASOSAI lần thứ 16 được tổ chức từ ngày 24-27/9/2024 tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho 44 Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên và các tổ chức quốc tế, đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đề ra.

Tham gia vai trò là thành viên của Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024, tại Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 60, 61 và các phiên họp của Đại hội, KTNN Việt Nam đã tích cực cùng các SAI thành viên bàn thảo và đóng góp ý kiến để Đại hội quyết định thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Đại hội đã ghi nhận và đánh giá những kết quả đạt được của ASOSAI và các thành viên trong việc thực hiện Tuyên bố Bangkok với chủ đề "SAI và sự chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới"; thông qua Tuyên bố Delhi về “Trao quyền cho các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) để kiểm toán Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) và quản trị bao trùm”; Kế hoạch Chiến lược ASOSAI 2022-2027, Đề án nghiên cứu 13, kết quả kiểm toán Quỹ tài chính ASOSAI niên độ 2021-2024...; thông qua thành lập 2 Nhóm công tác mới của ASOSAI về kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu; thành lập Ủy ban đặc biệt nghiên cứu việc thành lập Nhóm công tác về kiểm toán khu vực.

Đại hội ASOSAI 16 đã bầu các vị trí thành viên Ban Điều hành, UBKT nhiệm kỳ 2024-2027. Ngoài 5 thành viên mặc nhiên gồm các SAI: Thái Lan (Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024), Ấn Độ (Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027), Trung Quốc (Tổng Thư ký ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024), Nhật Bản (Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực của ASOSAI), Ả-rập Xê-út (Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2027-2030), 7 SAI dành số phiếu cao nhất được bầu vào Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 là: Hàn Quốc, Malaysia, UAE, Philippines, Kazakhstan, Azerbaijan, Pakistan.

Tại Đại hội ASOSAI 16, KTNN Thái Lan - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 đã chuyển giao vị trí Chủ tịch ASOSAI cho KTNN Ấn Độ, chính thức khép lại nhiệm kỳ 3 năm 2021-2024.

Đáng chú ý, với những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng ASOSAI và nỗ lực trong công tác vận động trong suốt thời gian qua, KTNN Việt Nam và KTNN Iran đã vinh dự được bầu làm thành viên UBKT ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.

Việc lần đầu tiên trở thành thành viên của UBKT ASOSAI sẽ mang lại cơ hội gì cho KTNN Việt Nam, thưa bà?

Có thể nói, việc trở thành thành viên UBKT ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm hội nhập quốc tế về chuyên môn của KTNN Việt Nam. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của KTNN nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định hội nhập quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Trong vai trò là thành viên UBKT ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027, KTNN Việt Nam sẽ thực hiện kiểm toán Quỹ tài chính của ASOSAI, qua đó giúp KTNN Việt Nam bám sát, nắm bắt kịp thời toàn bộ hoạt động của ASOSAI, từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và tham gia đề xuất, kiến nghị ý tưởng, giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của ASOSAI.

Bên cạnh đó, KTNN sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp ý kiến tại các cuộc họp thường niên của Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 sau khi kết thúc vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024.

Quá trình ứng cử và thực hiện vai trò thành viên UBKT ASOSAI trong 3 năm sẽ tạo cơ hội để KTNN tăng cường năng lực trong lĩnh vực kiểm toán công như: Kiểm toán Quỹ tài chính quốc tế; thực hiện kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA và ISSAIs); kỹ năng chủ trì cuộc kiểm toán theo hình thức phối hợp; kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đây cũng là điều kiện thuận lợi để KTNN Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp thu kinh nghiệm quốc tế cũng như nhiệm vụ hội nhập quốc tế của KTNN trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển chung của Ngành. Đồng thời, giúp KTNN Việt Nam có thêm kinh nghiệm và là tiền đề để có thể tiếp tục ứng cử thành công và đảm nhiệm tốt vai trò kiểm toán viên độc lập cho các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030.

Xin bà chia sẻ về định hướng trong thời gian tới của KTNN Việt Nam để thực hiện thành công vai trò là thành viên UBKT ASOSAI?

Trên vai trò mới, KTNN sẽ tiếp tục nỗ lực để có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho các hoạt động chung của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2024-2027, như: Đăng cai tổ chức hoặc tham gia các hoạt động chuyên môn của ASOSAI, đặc biệt là các cuộc kiểm toán hợp tác, đề án nghiên cứu… về những lĩnh vực KTNN quan tâm hoặc có thế mạnh như kiểm toán môi trường và SDGs, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán doanh nghiệp nhà nước; tham gia tích cực các Nhóm công tác mà KTNN là thành viên, đặc biệt là 2 Nhóm công tác mới thành lập của ASOSAI; thúc đẩy hợp tác song phương với các SAI thành viên ASOSAI để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực chuyên môn kiểm toán.

KTNN cũng tham dự và đóng góp ý kiến thiết thực nhằm xây dựng và phát triển ASOSAI trở thành tổ chức khu vực kiểu mẫu của INTOSAI theo sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức trong Kế hoạch chiến lược 2022-2027 tại các cuộc họp thường niên của Ban Điều hành ASOSAI.

Bên cạnh đó, KTNN cần chủ động kiện toàn, tăng cường năng lực Nhóm công tác thực hiện nhiệm vụ thành viên UBKT ASOSAI của KTNN về chuyên môn kiểm toán tài chính theo ISSAIs và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế thông qua học tập kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán quỹ tài chính và tham dự các hội nghị, hội thảo, đào tạo quốc tế khác có liên quan…

Trong vai trò thành viên UBKT, KTNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASOSAI thực hiện các công tác về thủ tục, hồ sơ tài chính… liên quan đến Quỹ ASOSAI và hỗ trợ giám sát công tác kiểm phiếu bầu các vị trí chủ chốt của ASOSAI tại các phiên họp theo quy định ASOSAI; đồng thời phối hợp với KTNN Iran trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện kiểm toán tại KTNN Trung Quốc và lập báo cáo kiểm toán, trình bày báo cáo tại Đại hội ASOSAI lần thứ 17.

Có thể thấy rằng, việc trở thành thành viên UBKT ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 là một bước tiếp nối để KTNN Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn về chuyên môn. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn, để hội nhập quốc tế đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đặc biệt về nâng cao năng lực kiểm toán, KTNN Việt Nam cần ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ khoảng 20 chuyên gia kiểm toán, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm toán để tiếp thu, truyền tải và vận dụng hiệu quả, tối ưu kiến thức, kinh nghiệm quốc tế tiên tiến, phấn đấu trở thành cơ quan chuyên môn có trình độ phát triển trong khu vực châu Á, sẵn sàng đảm đương vị trí lãnh đạo các Nhóm công tác chuyên môn của ASOSAI, INTOSAI trong tương lai gần.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước!./.

Theo Báo Kiểm toán số 42/2024

Xem thêm »