Trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực

22/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 22/11, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) và Trường Đào tạo Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (AITI) đã có buổi làm việc, trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực. Ông Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường và ông Kim Soon Sik - Giám đốc AITI đồng chủ trì buổi làm việc.

Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc trao đổi với đoàn cán bộ của AITI các nội dung liên quan đến công tác đào tạo của KTNN Việt Nam

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Hiểu, Trưởng khoa Cơ sở (Trường) đã giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Trường; chia sẻ về chương trình bồi dưỡng và giảng viên của KTNN Việt Nam. Theo đó, Trường có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động, hoạt động khoa học công nghệ của KTNN; thực hiện các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân ngoài KTNN có nhu cầu.

Hiện, Trường đang quản lý 36 chương trình, tài liệu bồi dưỡng với 3 nhóm chính. Nhóm 1 - Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo ngạch, bậc kiểm toán viên nhà nước gồm 3 chương trình; Nhóm 2 - Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ gồm 29 chương trình; Nhóm 3 - Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng gồm 4 chương trình.

Bên cạnh đó còn có các chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, pháp luật, phòng, chống tham nhũng, đạo đức nghề nghiệp… được tổ chức hằng năm và các chương trình tập huấn, toạ đàm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán.
Giảng viên của KTNN Việt Nam gồm viên chức thực hiện công tác giảng dạy công tác tại Trường và giảng viên kiêm chức. Ngoài ra còn có các cộng tác viên là các chuyên gia ngoài Ngành, được mời tham gia giảng dạy tại KTNN Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Trưởng khoa Cơ sở trao đổi tại buổi làm việc

Nhấn mạnh về đội ngũ giảng viên kiêm chức, ông Nguyễn Hữu Hiểu cho biết, đây là những công chức, kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao trong ngành KTNN, được Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định giao nhiệm vụ kiêm nhiệm giảng dạy.

Đội ngũ giảng viên kiêm chức của KTNN hiện nay gồm 89 người, gồm 03 Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; 01 nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; 51 Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng và tương đương; các lãnh đạo cấp phòng; kiểm toán viên chính và tương đương trở lên đến từ các đơn vị trực thuộc KTNN.

"Các giảng viên kiêm chức là những người có kiến thức chuyên môn và thực tiễn kiểm toán, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của KTNN Việt Nam" - ông Hữu Hiểu cho biết.

Thông tin về AITI, ông Kim Soon Sik - Giám đốc AITI cho biết, ngay từ những ngày đầu mới thành lập (tháng 1/1995), AITI đã liên tục cung cấp các chương trình đào tạo cho các kiểm toán viên của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) cũng như cho người phụ trách công tác kiểm toán và kế toán tại các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức công.

"AITI cũng cung cấp các chương trình đào tạo do BAI thiết lập cho các kiểm toán viên của các SAI trên thế giới. Cho đến nay, các kiểm toán viên từ nhiều quốc gia, trong đó có cả KTNN Việt Nam, đã tham gia các chương trình đào tạo của AITI" - ông Kim Soon Sik nhấn mạnh.
 
Ông Kim Soon Sik - Giám đốc AITI thông tin về những hoạt động của BAI

Chương trình đào tạo của BAI bao gồm: Các khóa đào tạo cho công chức, kiểm toán viên của BAI; Các khóa đào tạo/giáo dục cho các đơn vị được kiểm toán; Các khóa đào tạo/giáo dục cho các công chức liên quan đến kế toán; Đào tạo quốc tế và đạo tạo trực tuyến.

Theo đó, chương trình đào tạo cho kiểm toán viên của BAI phục vụ đào tạo 2 đối tượng là kiểm toán viên mới và kiểm toán viên.

Các lớp đào tạo cho các kiểm toán viên mới sẽ kéo dài trong 12 tuần, đào tạo về các chính sách, pháp luật liên quan đến tài chính, kế toán, quy trình kiểm toán, những chuẩn mực kiểm toán của BAI...

Đối với các kiểm toán viên, BAI sẽ tổ chức chương trình đào tạo định kỳ 5 năm một lần, kéo dài trong 1 tuần, thiết kế riêng, tập trung vào từng lĩnh vực kiểm toán đặc thù cụ thể.
Chương trình đào tạo đối với các đơn vị bên ngoài được BAI xây dựng theo 3 cấp độ: cơ bản, trung bình và nâng cao. Các lớp được tổ chức trực tuyến hằng tuần, dựa trên yêu cầu thực tế của từng đối tượng đào tạo. Mỗi đối tượng sẽ có chương trình được thiết kế riêng, giảng viên là những kiểm toán viên dày dạn kinh nghiệm thực tế của BAI. Đáng chú ý, học phí của các khóa học đều do BAI chi trả.
 
Quang cảnh buổi làm việc

Trao đổi với Trường về thực tiễn khai thác dữ liệu của BAI trong hoạt động kiểm toán, ông Kim Soo Sik cho biết, BAI có quyền được truy cập trực tuyến vào kho dữ liệu của Chính phủ, dựa trên nhu cầu của BAI về đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu phạm tội, kiểm toán viên có quyền yêu cầu truy cập bất cứ dữ liệu nào liên quan đến vụ việc đó để phục vụ cho công tác kiểm toán.

 Liên quan đến vấn đề kiểm toán từ xa, Giám đốc AITI cho biết, tại BAI cũng thực hiện các cuộc kiểm toán "có khoảng cách". Theo đó, các kiểm toán viên sẽ thực hiện thu thập, kiểm tra tính xác thực, minh bạch của những thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán từ xa. Khi phát hiện những dấu hiệu bất ổn, BAI sẽ yêu cầu đơn vị giải thích, cung cấp thêm bằng chứng, chứng từ kiểm toán. Nếu những bằng chứng đó vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu, BAI sẽ tiến hành kiểm toán thực địa.

Trả lời câu hỏi của đại diện AITI về biện pháp đảm bảo chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, ông Trần Kim Lộc chia sẻ, hằng năm, KTNN Việt Nam đều tổ chức Kỳ kiểm tra đánh giá cập nhật kiến thức. Mỗi năm, khoảng 30% kiểm toán viên của KTNN Việt Nam đều phải tham gia kỳ kiểm tra này. Nội dung kiểm tra rất rộng, bao gồm các nội dung về đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ.

"Nếu thi trượt kỳ kiểm tra, các kiểm toán viên sẽ không được đi kiểm toán, phải tập trung học tập, tự đào tạo bồi dưỡng để nâng cao kiến thức cho bản thân. Chỉ đỗ kỳ kiểm tra này, kiểm toán viên mới có thể đi kiểm toán" - ông Trần Kim Lộc nhấn mạnh.

Chia sẻ về định hướng phát triển đào tạo trong thời gian tới của KTNN Việt Nam, ông Trần Kim Lộc cho biết, KTNN Việt Nam luôn xác định mục tiêu gắn kết chặt chẽ nội dung đào tạo, bồi dưỡng với phát triển nguồn nhân lực, lấy mục tiêu phát triển nguồn nhân lực làm định hướng cho đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Bên cạnh đó, KTNN luôn tập trung phát triển đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao năng lực thực hiện đào tạo, bồi dưỡng của Ngành bởi chất lượng của giảng viên là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng - Giám đốc Trường Trần Kim Lộc nhấn mạnh./.

M. Thúy

Xem thêm »