Thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò của Kiểm toán nhà nước

12/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 12/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Kiểm toán bình đẳng giới và vai trò của KTNN” do ThS. Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và ThS. Nguyễn Tất Thắng - KTNN chuyên ngành V đồng chủ nhiệm.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban đề tài.
 
Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Hà Minh Tuấn, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới. Với cam kết của mình, cộng đồng quốc tế đã và đang dành những nguồn lực tài chính cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được bình đẳng giới và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trên cơ sở pháp luật và các công ước, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, ban hành các chiến lược, kế hoạch thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Do tầm quan trọng toàn cầu của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các cam kết khác của quốc gia về bình đẳng giới, các cơ quan kiểm toán tối cao có vị trí đặc biệt để thúc đẩy các cam kết này. Nằm trong xu thế chung, KTNN đang đẩy mạnh kiểm toán hoạt động đối với chủ đề các mục tiêu phát triển bền vững, các chương trình chính sách kinh tế - xã hội, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới.

Thực tế, kiểm toán bình đẳng giới là một lĩnh vực không mới và KTNN Việt Nam đã lồng ghép nội dung này trong nhiều cuộc kiểm toán trước đấy. Tuy nhiên, KTNN chưa triển khai một cuộc kiểm toán riêng về chủ đề này và cũng chưa có quy trình, khung hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán bình đẳng giới. Do đó, đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về kiểm toán bình đẳng giới, tham khảo những cách thức triển khai trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho KTNN Việt Nam.  
 
ThS. Hà Minh Tuấn nhấn mạnh, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới. Ảnh: Nguyễn Ly

Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1- Cơ sở lý luận về  bình đẳng giới và kiểm toán bình đẳng giới; Chương 2 -Thực trạng bình đẳng giới, kiểm toán bình đẳng giới tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Chương 3 - Giải pháp nâng cao vai trò kiểm toán bình đẳng giới của KTNN.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá cao chủ đề và sự công phu của Ban đề tài khi nghiên cứu nhiều tài liệu trong nước và quốc tế. Đề tài cũng phù hợp với xu thế của các cơ quan kiểm toán trên thế giới là đẩy mạnh mô hình kiểm toán hoạt động. Việc lựa chọn nghiên cứu đề tài đáp ứng yêu cầu lý luận và thực tiễn hiện nay.

Đề tài đã phân tích kinh nghiệm kiểm toán bình đẳng giới của cơ quan kiểm toán và rút ra bài học kinh nghiệm cho kiểm toán bình đẳng giới của KTNN Việt Nam. Đồng thời, đề xuất được các giải pháp thực hiện kiểm toán bình đẳng giới do KTNN thực hiện. Các giải pháp được đề xuất có tính hệ thống, cụ thể và khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính ứng dụng cao với KTNN Việt Nam.
 
Hội đồng khoa học góp ý với Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Để hoàn thiện đề tại, Hội đồng khoa học kiến nghị Ban đề tài làm rõ bình đẳng giới là một chủ đề kiểm toán và có thể áp dụng các loại hình kiểm toán khác nhau (kiểm toán tuân thủ, tài chính, hoạt động). Đồng thời, cần có cách tiếp cận cuộc kiểm toán chuẩn ngay từ đầu. Ngoài ra, Ban đề tài làm rõ nội dung kiểm toán bình đẳng giới là cần thiết và cách thức KTNN sẽ triển khai để cuộc kiểm toán đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất, phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế.

TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, đối với kiểm toán bình đẳng giới, KTNN phải có tư duy và cách hiểu thống nhất, đồng thời phải làm rõ nội dung, phạm vi, mục tiêu kiểm toán. Đặc biệt, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, trao đổi với các tổ chức và chuyên gia để có cách tiếp cận phù hợp, từ đó từng bước hoàn thiện và xây dựng hướng dẫn kiểm toán trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thuc các ý kiến của Hội đồng, hoàn thiện đề tài đúng thời hạn. Đề tài được xếp loại xuất sắc.

Hải Ly

Xem thêm »