Quy định mới về nguồn lực làm công tác xây dựng pháp luật bảo đảm đầu tư tương xứng với tính chất đột phá chiến lược của công tác xây dựng thể chế

17/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nhằm thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, ngày 19/02/2025, Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: ST


Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL…

Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống; căn cứ nội dung được Quốc hội giao tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, ngày 01/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định chi tiết Điều 7, Điều 31, khoản 1 Điều 32, Điều 34, khoản 1 Điều 36, Điều 69, khoản 4 và khoản 5 Điều 70 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật về xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; việc cho ý kiến đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không do Chính phủ trình; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; đăng tải văn bản trên công báo điện tử; quản lý công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Nghị định đã dành 01 chương quy định về nguồn lực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Chương VI) trong đó có nhiều điểm mới về người làm công tác xây dựng pháp luật; về bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người làm công tac xây dựng pháp luật; về sử dụng chuyên gia; về chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng pháp luật, cụ thể:

(1) Việc bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người làm công tác xây dựng pháp luật và trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật

Tại Điều 73 của Nghị định, việc bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người làm công tác xây dựng pháp luật được quy định trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung quy định ưu tiên, sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật gồm:

(i) Bố trí, sắp xếp công việc theo lĩnh vực chuyên môn, vị trí việc làm phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực và kinh nghiệm công tác;

(ii) Xem xét, lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý trên cơ sở nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và năng lực, uy tín của cán bộ, công chức; thuộc trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về độ tuổi, thời gian giữ chức vụ tương đương khi xem xét quy hoạch, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý;

(iii) Xem xét, lựa chọn quy hoạch, đào tạo để xây dựng đội ngũ chuyên gia nòng cốt làm công tác xây dựng pháp luật;

(iv) Được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù theo quy định.

Đây là những quy định thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.

Điều đáng chú ý, Nghị định quy định rõ cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm, gồm:

(i) Bảo đảm đầy đủ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ; kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế và cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật;

(ii) Rà soát cán bộ, công chức, viên chức để điều động, biệt phái người có năng lực, trình độ sang thực hiện công tác xây dựng pháp luật khi có yêu cầu hoặc theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

(iii) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật;

(iv) Ưu tiên cử người làm công tác xây dựng pháp luật đào tạo dài hạn, bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước.

Bố trí kinh phí để thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng cán bộ, công chức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác xây dựng pháp luật trong các cơ quan nhà nước theo hướng chuyên nghiệp.

(2) Về người làm công tác xây dựng pháp luật

Để xác định rõ người làm công tác xây dựng pháp luật gồm những ai, có vị trí việc làm như thế nào, tại Điều 72 Nghị định quy định, gồm:

(i) Cán bộ, công chức đảm nhận vị trí việc làm xây dựng pháp luật hoặc có nhiệm vụ soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật;

(ii) Người tham gia xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

(iii) Người làm công tác xây dựng pháp luật trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Với việc quy định như vậy, Nghị định đã bao quát được các đối tượng thường xuyên thực hiện công tác xây dựng pháp luật theo vị trí việc làm hoặc theo chức năng, nhiệm vụ cũng như các đối tượng chỉ tham gia theo từng công việc cụ thể trong quá trình xây dựng pháp luật - các công việc này không mang tính chất thường xuyên.

(3) Về sử dụng chuyên gia

Điều 75 của Nghị định quy định: “Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra quyết định mức chi trả tiền thù lao, tiền hỗ trợ cho chuyên gia; mức chi trả cho chuyên gia được ghi trong hợp đồng”.
Chuyên gia được hưởng các chế độ sau đây:

 - Được nhận tiền thù lao theo thỏa thuận trong hợp đồng;

- Được cung cấp thông tin có liên quan trong quá trình thực hiện công việc của chuyên gia ghi trong hợp đồng;

- Được chi trả chi phí tham dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm, điều tra, khảo sát thực tế và các chi phí khác theo quy định của pháp luật;

- Được khen thưởng và vinh danh xứng đáng với kết quả, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

(4) Về chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng pháp luật

Tại Điều 76, Nghị định quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, đóng góp tài chính, nguồn lực, công nghệ và trí tuệ cho hoạt động xây dựng pháp luật. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, đóng góp tài chính, nguồn lực, công nghệ và trí tuệ cho hoạt động xây dựng pháp luật được hưởng các ưu đãi như sau:

- Được khen thưởng, vinh danh, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu đối với những đóng góp trong hoạt động xây dựng pháp luật;

- Được ưu tiên tham gia vào các dự án, nghiên cứu cấp quốc gia hoặc cấp ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật;

- Được hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật./.
 
Phòng Pháp luập - Vụ Pháp chế, KTNN

Xem thêm »