(sav.gov.vn) - Tại Phiên họp chiều 14/5, Chính phủ chính thức trình Quốc hội Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Trong đó, nhiều nội dung được Kiểm toán nhà nước đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, quy định cụ thể tại Dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình Dự án Luật NSNN (sửa đổi). Ảnh: VPQH
Bổ sung các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn
Trình bày Tờ trình Dự án Luật tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Luật có 07 chương, gồm 76 điều. Trong đó, Dự thảo Luật quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 03 nhóm địa phương xuống còn 02 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành; bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi NSNN cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dự thảo điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5%; bổ sung quy định phạm vi chi từ nguồn dự phòng đối với bổ sung chi dự trữ quốc gia; nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách của Nhà nước; chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đặc biệt, Dự thảo Luật đã bổ sung mới 14 nội dung. Trong đó, bổ sung 01 Điều về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ: Quy định việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm sau; quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng Bộ, cơ quan trung ương chi tiết chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định phân bổ chi tiết đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định sử dụng dự phòng NSTW.
Dự thảo cũng thay đổi căn bản phương thức phân chia các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường…
Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn bao gồm: các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, đặt hàng, giao nhiệm vụ đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng ký trước ngày 31/12 năm thực hiện dự toán; các khoản phụ cấp, trợ cấp, các khoản tính theo tiền lương, chi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chi dự trữ quốc gia; chi viện trợ cho các Chính phủ nước ngoài; các khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, các khoản đóng góp tự nguyện đã được xác định nhiệm vụ chi cụ thể; các khoản kinh phí phải hoàn trả ngân sách cấp trên theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.
Quy định cụ thể thời gian gửi báo cáo quyết toán ngân sách cho Kiểm toán nhà nước
Đáng chú ý, nhiều ý kiến góp ý của KTNN trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý trong Dự thảo Luật.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Cụ thể, tại Điều 23 về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Dự thảo Luật bổ sung khoản 4 quy định: “Trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này”.
Về thời hạn và trình tự quyết toán ngân sách, Dự thảo Luật đã bổ sung cụ thể thời hạn gửi báo cáo quyết toán ngân sách cho KTNN để phục vụ công tác kiểm toán quyết toán ngân sách.
Theo đó, khoản 3 Điều 68 về thời hạn và trình tự quyết toán ngân sách địa phương quy định: “Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách cấp mình trước ngày 31 tháng 3 năm sau, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo quyết toán được phê chuẩn. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, lập quyết toán ngân sách địa phương, gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước trước ngày 01 tháng 5 năm sau, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương trước ngày 01 tháng 7 năm sau”.
Về thời hạn và trình tự quyết toán NSNN, Điều 69 Dự thảo Luật quy định:
“1. Các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước trước ngày 05 tháng 7 năm sau.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn trước ngày 05 tháng 7 năm sau.
3. Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ và gửi Kiểm toán nhà nước chậm nhất ngày 15 tháng 8 năm sau.
4. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất ngày 20 tháng 9 năm sau để cho ý kiến và tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội.
5. Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất là 12 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách..."
Nguyễn Hồng