Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng nguồn lực công

22/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 22/5, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Vụ Tổng hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu những mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thông qua kết quả kiểm toán của KTNN và đề xuất giải pháp”.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị chuyên môn thuộc KTNN cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Ngành.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Chủ nhiệm Đề tài, cho biết: Với chức năng đánh giá, xác nhận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thời gian qua, KTNN đã thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 
 

TS. Nguyễn Tuấn Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp trình bày nội dung đề tài
 

Ngoài kiến nghị xử lý tài chính (tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước), kết quả kiểm toán của KTNN còn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, đặc biệt là những mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật về lĩnh vực này. Đây là nguyên nhân làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng các nguồn lực công; là điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu một cách toàn diện những mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán để từ đó phân tích, đánh giá tác động của những mâu thuẫn, bất cập đó đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và đề xuất các giải pháp. Do đó, việc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu những mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thông qua kết quả kiểm toán của KTNN và đề xuất giải pháp” có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
 
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hoàng Văn Lương góp ý hoàn thiện đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu thành 03 Chương: Chương 1 - Tổng quan hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và vai trò của KTNN trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Chương 2 - Thực trạng mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 3- Định hướng, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công gắn với vai trò của KTNN.
 
Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Nguyễn Lương Thuyết phát biểu tại hội thảo

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, đây là một đề tài khó, cần có sự thống nhất, nhất quán trong cách trình bày và tiếp cận vấn đề.

Để Đề tài có giá trị thực tiễn và hàm lượng khoa học cao, phần phương pháp nghiên cứu cần được Ban Đề tài biên tập, gia cố một cách chi tiết hơn. Đồng thời, các nội dung, nội hàm trong tên gọi của Đề tài cần phải được làm rõ trong toàn bộ Đề tài.
 
GS. TS Nguyễn Trọng Cơ, nguyên Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, Đề tài cần nghiên cứu, bổ sung phần giới thiệu tổng quan các công trình nghiên cứu, các trích dẫn; phân tích làm rõ vai trò của KTNN trong việc chỉ ra những mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Ban Đề tài phân tích làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn một số mâu thuẫn, bất cập, hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; bổ sung thêm kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; mạnh dạn hơn trong việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan thanh tra, kiểm toán… hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tinh gọn hơn, đột phát hơn.
Ban chủ nhiệm Đề tài

Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, TS. Nguyễn Tuấn Trung trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, đồng thời cho biết Ban Đề tài sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài trước khi tổ chức hội thảo xin ý kiến lần thứ hai. Kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực thực thi và hiệu quả sử dụng nguồn lực công - vấn đề trọng tâm trong cải cách tài chính công ở Việt Nam hiện nay.

Hà Linh
 

Xem thêm »