(sav.gov.vn) - Dự kiến, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán (năm 2023 là 129 nhiệm vụ kiểm toán). Trong đó, KTNN ưu tiên triển khai sớm các đoàn kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội.
Năm 2024, số nhiệm vụ kiểm toán của KTNN không tăng so với Kế hoạch kiểm toán đầu năm 2023. Ảnh Tư liệu
Lựa chọn kiểm toán những lĩnh vực trọng yếu, dễ phát sinh tiêu cực
KTNN vừa có báo cáo trình Quốc hội về dự kiến KHKT năm 2024. Theo đó, với phương châm “làm ít nhưng chất”, KTNN xác định tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 không tăng so với KHKT đầu năm 2023; đồng thời phải bảo đảm lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, bộ cơ quan trung ương, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin.
KTNN cũng xác định sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Từ định hướng trên, đối với lĩnh vực NSNN, KTNN sẽ tập trung kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 Bộ, cơ quan trung ương (đạt tỷ lệ 85% tương đương 34/40 đầu mối kiểm toán các Bộ, cơ quan trung ương, năm 2023 là 68%).
Đồng thời, kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách địa phương (NSĐP) và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023 tại 22 địa phương; kiểm toán NSĐP tại 04 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023 của 35 địa phương. Qua đó kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
"Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 84 Báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 30/9/2023, KTNN đã kiến nghị 14.094 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN là 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.864,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng. Đồng thời KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 84 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý (trong đó có 09 Nghị định, 7 Thông tư, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 67 văn bản khác) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công."
Năm 2024, KTNN cũng dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề được xã hội quan tâm liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...
Đối với lĩnh vực chuyên đề, KTNN dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng như: Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023”; Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023” Chuyên đề “Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước”…
Ngoài ra, KTNN dự kiến lựa chọn các chủ đề kiểm toán gắn với chức năng quản lý nhà nước, lĩnh vực chuyên ngành của các bộ, cơ quan trung ương, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, những vấn đề được quan tâm tại địa phương, phục vụ HĐND giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, KTNN dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; dự án đường vành đai; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…
Về lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 07 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 05 tổ chức tài chính ngân hàng. Đồng thời, dự kiến thực hiện 17 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng.
Đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán
Để hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán năm 2024, KTNN xác định sẽ bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động đoàn kiểm toán; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.
KTNN sẽ bám sát kế hoạch, đề cương giám sát, ưu tiên kiểm toán sớm các đoàn kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội; nhằm báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; đồng thời chủ động phối hợp với các đoàn giám sát.
Bên cạnh đó, toàn Ngành cân đối lực lượng và thời gian kiểm toán, đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán để đảm bảo kịp thời cung cấp thông tin cho HĐND cÁc địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2023.
KTNN cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán thông qua tăng cường việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực và các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để rà soát, kiểm tra và có giải pháp nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của KTNN và hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác...
Đồng thời, KTNN tiếp tục xây dựng phương án tổ chức kiểm toán và lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động thường xuyên của đơn vị; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; thực hiện công bố công khai danh sách các đơn vị không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.../.
Đ. Khoa