Ban hành Quy định đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN

12/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 1252/QĐ-KTNN ban hành Quy định về đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Quy định này áp dụng đối với công chức, viên chức KTNN tham gia hoạt động kiểm toán hoặc các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo Quy định, “Cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ” là việc công chức, viên chức tự tiếp nhận, bổ sung hoặc được tiếp nhận, bổ sung các kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ; “Năm đánh giá” là năm tổ chức thực hiện đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN; “Kỳ đánh giá” là kỳ tổ chức thực hiện đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN, mỗi kỳ đánh giá là 03 năm liên tục, kể từ năm đánh giá đầu tiên. “Tần suất đánh giá” là số lần thực hiện đánh giá đối với đối tượng đánh giá trong một kỳ đánh giá. “Giảng viên kiêm chức của KTNN” là các công chức, viên chức vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa thực hiện công tác giảng dạy có trong danh sách được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.

​Công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm mục đích đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức KTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời, là một trong những cơ sở để bố trí, sắp xếp trong công tác cán bộ, công tác kiểm toán và các công việc khác liên quan đến công tác kiểm toán. Công tác đánh giá còn nhằm khuyến khích công chức, viên chức KTNN tăng cường ý thức tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần nâng cao chất lượng của công tác kiểm toán, công tác cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. 

​Quy định cũng nêu rõ, công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán phải đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo nghiêm túc, công bằng và công khai minh bạch. Nội dung, yêu cầu đánh giá phải phù hợp với từng ngạch kiểm toán viên nhà nước và tương đương, đồng thời phù hợp với các lĩnh vực kiểm toán mà KTNN đang thực hiện. 

Quy định gồm 06 chương, 28 điều, quy định cụ thể đối tượng, nội dung và hình thức đánh giá. 

Theo đó, đối tượng đánh giá gồm công chức giữ các ngạch kiểm toán viên nhà nước tham gia hoạt động kiểm toán (Kiểm toán viên, Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên cao cấp), không bao gồm Lãnh đạo KTNN và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN; công chức, viên chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên tham gia hoạt động kiểm toán hoặc các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán tại các đơn vị trực thuộc KTNN.

KTNN thực hiện đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán 03 năm/lần đối với tất cả các đối tượng đánh giá; mỗi năm đánh giá tối thiểu 1/3 số lượng thuộc đối tượng đánh giá được quy định tại Quy định; các đơn vị cử đảm bảo đạt 100% công chức, viên chức thuộc đối tượng đánh giá của đơn vị tham gia kỳ đánh giá (trừ các đối tượng được miễn và đối tượng không thực hiện đánh giá trong kỳ đánh giá).

Nội dung đánh giá gồm kiến thức chung về KTNN và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch kiểm toán viên nhà nước và theo lĩnh vực chuyên môn kiểm toán. Đối tượng đánh giá sẽ làm bài kiểm tra tập trung trắc nghiệm trên máy tính, thời gian làm bài là 60 phút.

Theo Quyết định, Hội đồng đánh giá do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề xuất và trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ) thành lập, trong đó cơ cấu gồm: Lãnh đạo KTNN, đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện Lãnh đạo Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Tin học, đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN.

Hội đồng đánh giá có nhiệm vụ: Xét duyệt danh sách công chức, viên chức do các đơn vị cử tham gia đánh giá và trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt danh sách; Thành lập các Ban giúp việc của Hội đồng đánh giá; Xây dựng và công bố nội quy đánh giá; Xây dựng hệ thống các mẫu biểu liên quan đến công tác đánh giá làm cơ sở để thiết lập mẫu biểu trên phần mềm đánh giá; Khởi tạo cấu trúc đề đánh giá trên phần mềm đánh giá từ hệ thống ngân hàng câu hỏi đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt (không chỉnh sửa, biên tập câu hỏi và đáp án từ hệ thống ngân hàng câu hỏi); Tổ chức công tác đánh giá; Tổ chức xét duyệt kết quả đánh giá và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định công nhận kết quả đánh giá; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tổ chức đánh giá; Trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định hình thức khen thưởng đối với các công chức, viên chức tham gia đánh giá đạt kết quả cao nhất trong năm đánh giá; Bảo quản, lưu trữ ngân hàng câu hỏi, đáp án và các tài liệu liên quan đến năm đánh giá và bàn giao cho Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán lưu trữ theo quy định sau khi kết thúc đánh giá.

Hội đồng đánh giá làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số. Các quyết định của Hội đồng đánh giá thực hiện theo nguyên tắc biểu quyết với trên 50% ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng đánh giá. Trường hợp khi biểu quyết trong Hội đồng đánh giá dưới 50% ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng đánh giá, Hội đồng đánh giá báo cáo đầy đủ các ý kiến để Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.

Căn cứ kết quả đánh giá đã được tổng hợp, Hội đồng đánh giá tổ chức xét duyệt thông qua danh sách công chức, viên chức đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu; Chủ tịch Hội đồng quyết định công nhận kết quả sau khi báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.

Quy định cũng quy định rõ các nội dung: Sử dụng kết quả đánh giá và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan; Xử lý hành vi vi phạm đối với người tham gia công tác tổ chức đánh giá; Xử lý hành vi vi phạm đối với công chức, viên chức tham gia đánh giá.

Theo Quyết định, Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung tại Quy định này. Các đơn vị trực thuộc KTNN và các công chức, viên chức của KTNN triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung tại Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước(qua Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Hà Linh

Xem thêm »