Kiểm toán nhà nước khu vực VI chỉ ra nhiều bất cập trong bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương

26/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thông qua kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại 04 địa phương (gồm Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng) do Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VI thực hiện năm 2023 đã thấy nổi lên một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Các địa phương chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật

Bất cập lớn nhất bộc lộ trong việc địa phương tuân thủ các quy định của pháp luật trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển loại rừng, ban hành kế hoạch trồng rừng thay thế và ban hành văn bản quản lý.

Cụ thể, qua kiểm toán cho thấy, địa phương được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế.

Bên cạnh đó, địa phương chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Địa phương cũng đã thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác. Địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng (do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng).

Thậm chí, có tình trạng, Ủy ban nhân dân tỉnh trình, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho doanh nghiệp đối với diện tích rừng để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tại các địa phương, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế đã không xác định rõ thuộc trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn hay thuộc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong khi đó, thực tế kiểm toán phát hiện địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế.

Diện tích còn phải trồng rừng thay thế đến 31/3/2023 tại các địa phương 2.340,46 ha; số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng chưa địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định 275,3 tỷ đồng.

KTNN khu vực VI cũng chỉ rõ, địa phương ban hành quy trình kỹ thuật và suất đầu tư trồng rừng thay thế đối với một số loài cây lâm nghiệp áp dụng cho các chủ dự án không tự trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng dự toán không có định mức sử dụng công cụ thủ công theo quy định.
 


Còn hạn chế trong thẩm định, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế

Bất cập đáng chú ý nữa là trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận phương án trồng rừng thay thế. Cụ thể, theo KTNN khu vực VI, thứ nhất, đơn giá trong phương án trồng rừng thay thế được địa phương phê duyệt tính thiếu 1 số hạng mục chi phí (công cụ dụng cụ, chi phí dự phòng, chi phí chung, chi phí khác) theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Thứ hai, địa phương phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế chưa tính theo mức dự toán trồng rừng (phòng hộ, đặc dụng) trên địa bàn tỉnh tại thời điểm Chủ dự án đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế dẫn đến đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế thấp hơn đơn giá chi tiền trồng rừng thay thế; không phê duyệt lại đơn giá thu nộp tiền trồng rừng thay thế theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh dẫn đến đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế thấp hơn đơn giá giao kế hoạch trồng rừng thay thế.

Thứ ba, vẫn còn diện tích rừng chuyển đổi mục đích, đã nộp tiền trồng rừng thay thế theo đơn giá tại thời điểm thu cao nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa được giao kế hoạch trồng rừng thay thế; đồng thời đơn giá trồng rừng thay thế đối với 1 ha vẫn đang cao hơn so với đơn giá/1 ha tại thời điểm thu. 

Thứ tư, địa phương đã phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế nhưng xác định diện tích trồng thay thế không đủ so với diện tích rừng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng; cho phép đơn vị nộp tiền làm nhiều đợt theo đơn giá tính ban đầu, mà không thực hiện xác định đơn giá tại thời điểm nộp tiền theo quy định...

Thứ năm, thực tế có địa phương áp dụng văn bản không còn phù hợp để tính toán, phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế.

Kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, hạn chế

KTNN khu vực VI còn phát hiện bất cập, hạn chế trong công tác quản lý thu của Quỹ Dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán, 02/04 địa phương được kiểm toán chưa triển khai thực hiện, chưa thực hiện xong việc xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của tỉnh, việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng; chưa rà soát, xác định đối tượng để ký hợp đồng uỷ thác chi tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Cùng với đó là tình trạng chưa nộp, chậm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Cũng theo KTNN khu vực VI, công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát của Ủy ban nhân dân các tỉnh chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên; việc chấp hành chế độ báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ.

Tiếp tục chỉ ra những bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách, KTNN khu vực VI cho biết, thông qua kết quả kiểm toán còn thấy nổi lên bất cập trong quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 về thẩm quyền chuyển loại rừng đặc dụng và chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng; chưa có quy định để xử lý các trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế, điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng; quy định thời điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các địa phương có mức chi rất thấp…

Theo KTNN khu vực VI, trong giai đoạn 2020-2022, có 03/04 địa phương được kiểm toán đều đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (trừ tỉnh Hải Dương chưa thành lập, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng…

Qua kiểm toán, đơn vị đã phát hiện từ khi thành lập Quỹ đến 31/3/2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.278,8 ha rừng sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54 ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64 ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng là 2.430,46 ha.

Về tình hình thu - chi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại các địa phương trên tính đến 31/3/2023, tổng số thu là 541 tỷ đồng (trong đó thu tiền trồng rừng thay thế 491,8 tỷ đồng); số đã chi 106,9 tỷ đồng (trong đó chi trồng rừng thay thế 86,9 tỷ đồng); số dư cuối kỳ 517,9 tỷ đồng (trong đó số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế 275,3 tỷ đồng phải nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam).

Trước những bất cập, tồn tại, hạn chế đã được phát hiện và chỉ ra, KTNN khu vực VI kiến nghị các địa phương khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục để công tác quản lý, sử dụng Quỹ, công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng tại địa phương được thực hiện đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, các địa phương cần báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện./.

Hồng Thoan

Xem thêm »