Trong Phần 4 của Dự thảo văn kiện của BCH (khoá VIII) trước Đại hội IX của Đảng, đoạn nói về: “Tiếp tục đổi mới công cụ quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế” nêu rõ: “ Đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch kết hợp thị trường với kế hoạch, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác thông tin về kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, công tác thống kê ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác dự báo, kiểm tra tình hình thực hiện ở cấp vĩ mô và doanh nghiệp. Bảo đảm tính minh bạch, công bằng chi NSNN, phân cấp mạnh đi đôi với tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thu chi ngân sách địa phương”.
Sự ra đời và hoạt động của KTNN xuất phát từ yêu cầu khách quan của việc kiểm tra, kiểm soát chi tiêu công quỹ Quốc gia, bản đảm sử dụng hợp lý, đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực tài chính của các cơ quan công quyền. Trên thực tế, KTNN thường tiến hành các cuộc kiểm toán tuân thủ, xem xét việc chấp hành các chính sách, luật lệ và chế độ của Nhà nước tại các đơn vị sử dụng vốn và kinh phí của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, KTNN còn thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá và góp phần nâng cao tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả trong các tổ chức công quyền, các đơn vị có sử dụng vốn và kinh phí của ngân sách Nhà nước. Như vậy, KTNN được coi là công cụ kiểm tra tài chính công cấp cao nhất, bảo đảm tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và công quỹ Quốc gia; xác lập trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế - tài chính, góp phần đấu tranh chống gian lận và tham nhũng.