Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, được giao cho nhiều cơ quan đảm trách, trong đó có Kiểm toán nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng (2018) có một số nội dung quy định mới, sửa đổi, bổ sung, tăng trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước. Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước (2019), bổ sung một số nhiệm vụ quan trọng của Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Kiểm toán nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Hoạt động kiểm toán nhà nước thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng nhất định trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, song kết quả còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với Kiểm toán nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tương xứng với vị thế là công cụ kiểm tra, kiểm soát mạnh và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay. Bài viết giới thiệu một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những yêu cầu đặt ra đối với pháp luật và hoạt động kiểm toán nhà nước; vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực trạng pháp luật và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.