Hoa Kỳ: Mất tích nhiều hóa đơn mua vũ khí trị giá 1 tỷ USD

17/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mới đây, kết quả cuộc kiểm toán một chương trình chống khủng bố lớn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ do Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ (DoD OIG) tiến hành đã và đang trở thành tâm điểm của báo giới trong nước và quốc tế. Cuộc kiểm toán tiết lộ, trong năm 2016, nhiều hóa đơn trị giá hơn 1 tỷ USD chi cho mục đích mua sắm các trang, thiết bị quân sự của Bộ này đã mất tích không rõ lý do.

 
Lỏng lẻo, tắc trách trong quản lý vũ khí…
 
DoD OIG cho biết, hơn 1 tỷ USD đã được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chi vào mục đích mua các trang, thiết bị quân sự cho Quỹ Đào tạo và trang bị cho Iraq (ITEF). Chính phủ Hoa Kỳ thành lập quỹ này cùng với việc xây dựng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2015 (NDAA) nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Levant (ISIL). Đến nay, Hoa Kỳ đã phân bổ hơn 2,3 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng nhằm hỗ trợ tối đa cho Chính phủ Iraq và các lực lượng đồng minh, liên minh, đối tác… để tự bảo vệ đất nước và đấu tranh giành lại những vùng lãnh thổ bị chiếm giữ. Các thiết bị, từ những chiếc mũ bảo hiểm đến những phương tiện chiến đấu hiện đại, đắt tiền, được đưa tới Iraq và Kuwait để hỗ trợ các hoạt động quân sự chống lại ISIL.
 
Tuy nhiên, cuộc kiểm toán trên tiết lộ, Bộ Quốc phòng đã không hoàn thành quá trình vận chuyển thiết bị từ Hoa Kỳ sang Iraq và Kuwait theo đúng kế hoạch, đồng thời, không hề cập nhật, thông báo về số lượng và vị trí của các thiết bị được cấp cho ITEF tại Kuwait và Iraq một cách chính xác. Nguyên nhân một phần do nhiều quan chức của Bộ đã không sử dụng hệ cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý, thống kê các thiết bị của ITEF. Thay vào đó, họ chỉ sử dụng các bảng tính cơ bản để ghi lại số lượng và giá trị các thiết bị, vũ khí được vận chuyển tới Iraq.
 
Tại mỗi đơn vị của Bộ lại có những bảng tính riêng theo dõi các thiết bị được chuyển tới Iraq. Việc nhiều người tự nhập dữ liệu vào nhiều bảng tính cho hơn 13.000 thiết bị làm tăng nguy cơ xảy ra nhiều sai lệch, thiếu sót lớn. Và hiện tại, Bộ cũng không thể cung cấp số lượng, giá trị và vị trí chính xác của các trang, thiết bị được báo cáo là đã vận chuyển đến Kuwait và Iraq trong thời gian qua.
 
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về công tác quản lý tài sản, nhiều quan chức của Bộ vẫn cố tình vi phạm, điển hình là trong Điều lệ Quân nhân 710-2 quy định: tất cả tài sản, kể cả những thiết bị mất mát, hỏng hóc cũng phải được thống kê chi tiết vào Hệ thống Quản lý tài sản quốc phòng (DPAS) nhằm phục vụ công tác quản lý chặt chẽ, sát sao nhất. Điều lệ Quân nhân 735-5 quy định: những người có thẩm quyền, trách nhiệm phải lưu giữ hồ sơ quân sự liên tục đối với những tài sản của quân đội kể từ thời điểm được mua đến khi tài sản không còn được sử dụng nữa.
 
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, những người có trách nhiệm quản lý trang thiết bị quân sự của Bộ đã không ghi lại đầy đủ thông tin, dữ liệu như: tình trạng trang, thiết bị, đặc điểm nhận dạng, công dụng, số lượng… cho hàng nghìn giấy biên nhận và hóa đơn khác nhau.
 
...có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng
 
Nếu không có hóa đơn, DoD OIG không thể đảm bảo rằng thiết bị đã được chuyển đến nơi như kế hoạch, có thể bị mất hay đã bị đánh cắp, do đó không thể lên kế hoạch quản lý, giám sát hiệu quả các thiết bị do ITEF tài trợ dẫn đến nhiều hậu quả tồi tệ hơn. Đây không phải là vấn đề mới tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Tình trạng sai sót, mất mát hóa đơn, chứng từ, tài liệu đã nhiều lần xảy ra tại cơ quan này. Trong Báo cáo Tài chính năm 2016, DoD OIG thừa nhận rằng “trách nhiệm giải trình về tài sản quân đội là một thách thức lớn, dai dẳng... ở cả Iraq và Afghanistan”, “Trong năm 2014, quân đội Hoa Kỳ đã mất số trang thiết bị trị giá gần 590 triệu USD ở Afghanistan”.
 
Sau khi kết quả cuộc kiểm toán trên được công bố, Cơ quan Giải trình trách nhiệm Chính phủ (GAO) đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần cung cấp mọi thông tin bằng văn bản về các trang, thiết bị quân sự hiện tại. Bộ cũng cam kết sẽ tiếp tục điều tra và cung cấp thông tin chi tiết trong thời gian sớm nhất có thể về sự việc trên, đồng thời, xây dựng một kế hoạch hành động chiến lược nhằm giải quyết vấn đề triệt để, củng cố công tác lưu trữ hồ sơ giúp quá trình quản lý trang, thiết bị quân sự chặt chẽ hơn, giám sát hiệu quả hơn, ngăn chặn tình trạng vũ khí bị mất, tiềm ẩn hậu quả khó lường và cũng để tiết kiệm ngân sách.
 
(Theo Pogo và Linktank)
(Báo Kiểm toán số 33/2017)

Xem thêm »