Ngày 31/7, Kiểm toán Nhà nước Malaysia (NAD) đã phát hành Báo cáo kiểm toán năm 2016, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm, thua lỗ trong hoạt động của một số cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời đề cập đến một số vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của người dân Malaysia như: chi phí xây dựng Bệnh viện Klang, sai phạm trong mua bán trực thăng cảnh sát tầm trung, thua lỗ tại Chương trình nhà ở cho thuê (RIM) và đặc biệt là thua lỗ tại Quỹ Kinh tế DN quốc gia (Tekun Nasional).
Theo báo cáo, trong 265 cơ quan Chính phủ được kiểm toán, thì có tới 193 đơn vị (73) không tuân thủ các quy trình về quản lý chứng từ thanh toán, ghi chép sổ sách và kiểm tra nội bộ định kỳ. Hoạt động kém hiệu quả tại Quỹ Tekun Nasional hiện đang thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân Malaysia. Với khoản lỗ cộng gộp và nợ xấu khổng lồ, Quỹ này được cho là đang tạo gánh nặng ngân sách lớn trên vai Chính phủ.
Quỹ Tekun Nasional được biết đến là Chương trình hỗ trợ tài chính các DN nhỏ phát triển, mở rộng kinh doanh của Chính phủ Malaysia, thuộc phạm vi giám sát và quản lý của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp dựa trên nông nghiệp Malaysia (MOA). Từ năm 1998 đến tháng 6/2016, Tekun Nasional đã tiếp nhận nhiều khoản vay tài chính có giá trị hơn 1,8 tỷ Ringgit (420 triệu USD), đồng thời tiếp nhận khoản tài trợ 670 triệu Ringgit (156 triệu USD) từ MOA cho mục đích thực hiện Gói kích thích kinh tế, hỗ trợ nạn nhân lũ lụt và Chương trình phát triển DN cộng đồng Ấn Độ. Tính đến ngày 30/6/2016, Tekun Nasional đã cung cấp hỗ trợ tài chính và giải ngân hơn cho hơn 474 nghìn DN tại Malaysia.
Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán công bố cuối tháng 7 cho biết, hiệu quả hoạt động tài chính của Tekun Nasional trong giai đoạn tài chính 2013-2015 đã trượt dốc thảm hại do khoản nợ Chính phủ khổng lồ và giá trị nợ xấu cao. Các khoản lỗ cộng gộp tính đến cuối năm 2015 lên đến hơn 209 triệu Ringgit (48 triệu USD) và giá trị nợ xấu rơi vào khoảng hơn 410 triệu Ringgit, với giá trị thu về chỉ đạt gần 75 triệu Ringgit.
Trong bản báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia Ambrin Bin Buang cho biết, công tác quản lý các hoạt động của Tekun Nasional tuân thủ theo các mục tiêu của việc thành lập quỹ, song chưa được lập kế hoạch một cách phù hợp. Ngoài ra, báo cáo của NAD cũng chỉ trích thất bại của Quỹ trong việc thực hiện chương trình Cổng thông tin điện tử DN Tekun, Thẻ cộng đồng DN Tekun và Cyber Mall (một loại hình siêu thị điện tử), đã dẫn đến khoản lỗ hơn 872 triệu Ringgit. Báo cáo cũng nêu rõ tên một số chương trình bị thất bại của Quỹ này như: Chương trình cấp tín dụng Tekun, Chương trình Khởi nghiệp và Chuyên gia, Chương trình Phát triển DN. Sáu chương trình này của Tekun Nasional được xây dựng mà không đặt ra thời hạn và xác định các kết quả đầu ra dự kiến. Theo NAD, yếu kém trong quản lý và thiếu các nghiên cứu đánh giá là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại trong các chương trình Tekun Nasional.
Bên cạnh đó, Tekun Nasional được cho là thất bại trong thực hiện các nghiên cứu toàn diện để đánh giá tính hiệu quả và hiệu lực của việc sử dụng tài chính bởi các DN khởi nghiệp hay mở rộng sản xuất kinh doanh và đã không đạt được mục tiêu hoàn trả tài chính mà quỹ đã đề ra. NAD cũng chỉ trích các thành viên Ban kiểm toán và quản lý rủi ro của Tekun Nasional đã không đưa ra các cơ sở kế toán hợp lý, tổ chức quản lý tài chính DN được thực hiện không hiệu quả.
Được biết hồi đầu năm, cựu Giám đốc điều hành Tekun Nasional ông Datuk Abdul Rahim Hassan đã bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ theo Mục 23 của Đạo luật Chống tham nhũng Malaysia năm 2009. Ông Abdul Rahim được bổ nhiệm làm Giám đốc Tekun vào năm 2008 và chấm dứt nhiệm kỳ vào tháng 12/2014. Trước đó, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia, cũng điều tra mối liên hệ giữa ông Abdul Rahim và ông Mohd Arif Ab Rahman - cựu Tổng Thư ký của MOA - trực tiếp giám sát các hoạt động của Tekun Nasional. Ông Mohd Arif cũng đang bị truy tố vì cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực và rửa tiền.
(Nguồn: The Malay Mail Online và The Star)
(Báo Kiểm toán số 32/2017)