Trong một cuộc phỏng vấn hôm 01/3, bà Nagavalli Annamalai - Chuyên gia tư vấn của một tổ chức tài chính cho vay đa phương chuyên về phát triển lĩnh vực ngân hàng - cho biết: Ngân hàng Thế giới (WB) hiện đang phối hợp với Chính phủ Myanmar để thảo luận về dự án đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống tài chính và dự kiến kết quả sẽ giúp làm rõ các lựa chọn cho công tác tái cơ cấu ngành tài chính - ngân hàng nước này.
Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, Myanmar tiến hành kiểm toán toàn diện các ngân hàng quốc doanh. Nỗ lực này được xem là một phần trong kế hoạch nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống tài chính và giải quyết những rủi ro trước tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của quốc gia này trong những năm gần đây.
Các ngân hàng quốc doanh đã thống trị hệ thống ngân hàng quốc gia trong hơn nửa thế kỷ, cho đến khi Myanmar bắt đầu cải cách dân chủ vào năm 2011 và bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Ngân hàng quốc doanh lớn nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Myanmar, ra đời từ những năm 1950 và cung cấp tín dụng cho hơn 2 triệu nông dân ở quốc gia nông nghiệp rộng lớn này. 3 ngân hàng còn lại là Ngân hàng Kinh tế Myanmar, Ngân hàng Ngoại thương Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Thương mại Myanmar. Cùng với đó, Myanmar có khoảng 24 ngân hàng tư nhân trong nước. Theo số liệu của WB, tài sản tại các ngân hàng tư nhân đã tăng 27, lên 23,3 nghìn tỷ Kyat (17,2 tỷ USD); ngược lại, khối ngân hàng quốc doanh đã giảm 14, xuống còn 16,5 nghìn tỷ Kyat vào cuối tháng 6/2016 so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo Giám sát kinh tế Myanmar của WB phát hành vào tháng 12/2016 nêu rõ, một vấn đề cần lưu ý khi phân tích lĩnh vực ngân hàng của quốc gia là chất lượng các con số của Chính phủ, bao gồm tỷ lệ nợ xấu khoảng 3,6 và tỷ lệ an toàn vốn 19 công bố hồi tháng 6/2016. Các chỉ số về sự lành mạnh của ngành như đã báo cáo hiện nay không phản ánh chính xác những rủi ro mang tính hệ thống. Thách thức ở các ngân hàng quốc doanh hiện nay bao gồm: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nghèo nàn, các thông lệ kế toán lạc hậu và sự thiếu rõ ràng trong những vấn đề như phân loại tài sản và lập dự phòng các khoản nợ xấu...
Trong bản báo cáo mới đây, WB cho rằng, nếu không có cải cách, các ngân hàng cho vay của Chính phủ có thể rơi vào tình trạng "thảm khốc” khi các ngân hàng tư nhân phát triển nhanh chóng, có thể cung cấp những khoản tiền gửi và cho vay lớn hơn.
(Nguồn: Bloomberg
và Straitstimes Myanmar)
(Báo Kiểm toán ôố 14)