35 các công ty dầu mỏ toàn cầu có nguy cơ phá sản

01/03/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 16/02, hãng kiểm toán Deloitte đã công bố bản báo cáo về tổng quan hoạt động của các công ty sản xuất và khai thác dầu trên khắp thế giới. Theo đó, gần 35 số công ty dầu khí niêm yết trên thị trường chứng khoán toàn cầu được cho là đang đứng trước nguy cơ cao rơi vào tình trạng phá sản trong năm 2016.
 

Theo báo cáo của Deloitte, khi giá dầu bắt đầu lao dốc từ mức kỷ lục 147,27 USD/thùng xuống dưới mốc 30 USD/thùng vào những ngày đầu năm 2016, các công ty dầu khí trên toàn cầu đã hủy hoặc hoãn rất nhiều dự án có trị giá lên tới 380 tỷ USD. Có khoảng 50/175 công ty dầu lửa có nguy cơ phá sản cao nhất do giá trị tài sản của các công ty này đã giảm xuống dưới mức nợ, hoặc tỷ lệ nợ của các công ty này đã rơi vào vùng nguy hiểm. Ngoài ra, khoảng 160 công ty dầu lửa khác cũng bị Deloitte cho là đang đối mặt với tình thế nguy hiểm.

Đây là những công ty có mức vốn hóa nhỏ trên 1 tỷ USD, với mức vay nợ ít hơn, nhưng dòng tiền của các công ty này đang bị thu hẹp. Ngoài các công ty trong nhóm nguy hiểm, hầu như tất cả các công ty dầu lửa khác trên thế giới đều đang gặp khó khăn khi giá dầu dưới mức 30 USD/thùng như hiện nay, bao gồm cả những công ty năng lượng lớn như: Tập đoàn năng lượng Exxon Mobil của Mỹ. Báo cáo của Deloitte cũng nêu rõ, ngành Dầu khí toàn cầu đã cắt giảm 400 tỷ USD vốn đầu tư, điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm hàng chục ngàn việc làm và thu hẹp các hoạt động khai thác.

Trưởng ban phân tích ngành Dầu khí của Deloitte tại Mỹ, ông John England nhận định: “Chắc chắn có một số công ty lớn đang chịu sức ép phải bán bớt tài sản để có tiền trả nợ. Năm 2016 sẽ là năm của những quyết định khó khăn đối với nhiều công ty dầu khí bao gồm: bán lại những tài sản quan trọng, cắt giảm cổ tức, sa thải thêm nhân công và cắt giảm thêm kế hoạch đầu tư cơ bản”. Trên cơ sở dự báo này, ông England cho rằng sắp diễn ra một làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) mới trong ngành Dầu khí thế giới.

Ngày 17/02, Bộ trưởng Dầu mỏ các nước Liên bang Nga, Saudi Arabia, Qatar, Venezuela đã có một cuộc họp ở thủ đô Doha (Qatar) và đi đến nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng 01/2016 với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định quốc gia này sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực, đặc biệt là sự hợp tác giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm bình ổn thị trường và giá dầu thô. Tuy nhiên, ông Bijan Zanganeh không đưa ra cam kết nào về việc cắt giảm sản lượng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc đàm phán cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ đã sẵn sàng cùng nhau hợp tác để bàn về kế hoạch hạn chế nguồn cung và điều này có thể thúc đẩy một thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới đây. Song nếu không có sự tham gia của Iran và Iraq, thì thỏa thuận này sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với giá dầu, bởi các nước tham gia đều là những nước không tăng sản lượng trong thời gian gần đây.

Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 4 năm ngoái, hai hãng dầu khí Royal Dutch Shell và Tập đoàn BG đã chính thức sáp nhập. Bằng cách mua lại Tập đoàn BG với giá 70 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hà Lan Royal Dutch Shell đã hạ thấp đáng kể chi phí sản xuất dầu, tăng cường sản lượng và tiếp cận được những nguồn tài nguyên năng lượng mới. Đây được coi là thương vụ sáp nhập lớn nhất của ngành Dầu khí trong vòng một thập kỷ gần đây. Đồng thời cũng là phát súng đầu tiên của chuỗi các thương vụ mua bán, sáp nhập trong thời gian tới của ngành công nghiệp “vàng đen” này.

(Nguồn: Website Deloitte và CNBC)
(Báo Kiểm toán số 8)

Xem thêm »