KTNN Thụy Điển kiểm toán chất thải từ khai thác mỏ – những rủi ro tài chính đối với Nhà nước

23/02/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tháng 12/2015 vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thụy Điển đã phát hành báo cáo kiểm toán đối với những rủi ro tài chính trong lĩnh vực khai thác mỏ. Cuộc kiểm toán đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định bảo lãnh tài chính, việc kiểm tra tính hiệu lực của các khoản bảo lãnh tài chính và công tác giám sát tác động môi trường của các hoạt động khai thác mỏ. Theo KTNN Thụy Điển, hệ thống bảo lãnh tài chính cho các hoạt động khai thác mỏ hiện nay chưa giảm thiểu các rủi ro tài chính mà chính quyền trung ương phải chịu liên quan đến các khoản chi cho hoạt động xử lý mỏ sau khai thác đối với các khu mỏ đã đóng cửa.
 

Thông qua cuộc kiểm toán, KTNN Thụy Điển đã phát hiện những vấn đề:

Lượng chất thải từ hoạt động khai thác mỏ đã tăng đáng kể trong giai đoạn 1975-2014 và dự kiến còn tiếp tục gia tăng trong tương lai, tùy theo tình hình phát triển của ngành công nghiệp. Mặc dù khối lượng chất thải từ khai thác mỏ rất lớn và tác động đáng kể đến môi trường, nhưng không có chiến lược dài hạn nào được đưa ra để xử lý chất thải và đánh giá các biện pháp xử lý mỏ sau khai thác. Thêm vào đó, chất thải từ khai thác mỏ là một loại chất thải nguy hiểm, nhưng chỉ có khoảng 6.000 tấn chất thải từ ngành khai thác mỏ được phân loại thuộc nhóm chất thải nguy hại. Trách nhiệm được xác định là của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển, cơ quan ban hành các quy định liên quan đến việc phân loại chất thải nguy hại, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành các quy định.

Năng lực xác định các khoản bảo lãnh tài chính đã được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rủi ro đối với khoản bảo lãnh tài chính dài hạn. Theo báo cáo của KTNN Thụy Điển, việc sửa đổi các luật và quy định liên quan đã tăng cường khả năng xác định các khoản bảo lãnh tài chính đối với hoạt động khai thác mỏ, chẳng hạn, thông qua yêu cầu về việc cập nhật kế hoạch quản lý chất thải khi cần hoặc ít nhất 05 năm một lần. Tuy nhiên, cuộc kiểm toán đã chỉ ra rằng, các khoản bảo lãnh không đủ để trang trải chi phí kiểm tra và thực hiện các biện pháp duy trì trong suốt thời gian khắc phục những hậu quả về môi trường do ba lý do.

Lý do thứ nhất, có nhiều trường hợp đã được cấp giấy phép khai thác nhưng lại không yêu cầu phải có khoản bảo lãnh tài chính trước khi hoạt động khai thác được thực hiện. Thay vào đó, quy định cho phép công ty khai thác chỉ phải nộp đề xuất bảo lãnh trong khoảng 01 đến 06 tháng sau khi cấp giấy phép. Như vậy có nghĩa là, các hoạt động khai thác mỏ có thể được triển khai mà không có bảo lãnh tài chính trong một khoảng thời gian.

Lý do thứ hai, mẫu bảo lãnh cần phải xem xét lại, trong đó tăng tổng số tiền bảo lãnh và gia hạn bảo lãnh. Cuộc kiểm toán chỉ ra rằng, tổng số tiền bảo lãnh phải là 2.7 tỷ Krona Thụy Điển (SEK) nhưng thực tế rất nhiều mẫu đơn bảo lãnh ngân hàng chỉ có giá trị tương đương 90 tổng số tiền nói trên.

Lý do thứ ba, việc bảo lãnh ngân hàng đòi hỏi cơ quan giám sát hoạt động hiệu quả để giám sát tính hiệu lực của bảo lãnh. Theo KTNN Thụy Điển, công tác giám sát của cơ quan giám sát về bảo lãnh tài chính cần tập trung nhiều nguồn lực và đòi hỏi cả về năng lực tài chính lẫn pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế đã có trường hợp đơn vị khai thác không có bảo lãnh tài chính cho hoạt động khai thác mỏ trong một thời gian dài, nhưng cơ quan giám sát không phát hiện ra điều này. Cuộc kiểm toán phát hiện nhiều hoạt động khai thác mỏ đã được thực hiện trong hơn hai năm mà không có bất kỳ bảo lãnh tài chính nào.

Vì những lý do trên, kinh phí để thực hiện công tác giám sát môi trường đối với các hoạt động khai thác mỏ sẽ không đủ để chi trả. Theo báo cáo của KTNN Thụy Điển, trong năm 2014, chi phí dành cho công tác giám sát môi trường đối với các hoạt động khai thác mỏ đã vượt quá nguồn thu từ các khoản phí gần 3.7 triệu SEK, tương đương 432.000 USD. Do vậy, sẽ không có đủ kinh phí để chi trả cho hoạt động giám sát các khu xử lý chất thải từ hoạt động khai khoáng khi không có người khai thác.

Cuộc kiểm toán còn chỉ ra rằng, chi phí để xử lý mỏ sau khai thác quá lớn và rất khó để tìm được các giải pháp lâu dài đối với hoạt động sau khai thác. Chính quyền trung ương đã và sẽ phải chịu một khoản chi phí lớn cho hoạt động xử lý mỏ đã đóng cửa. Nguyên nhân là do các mỏ đã đóng cửa trong một thời gian dài hoặc do khoản bảo lãnh tài chính không đủ để chi trả. Chẳng hạn, sau khi thực hiện hoạt động khai thác mỏ trong một thời gian ngắn, một số nhà khai thác đã tuyên bố phá sản, khi đó, chính quyền trung ương sẽ phải chịu một khoản chi phí đáng kể để xử lý các khu vực bị ô nhiễm quanh mỏ.

Qua cuộc kiểm toán, KTNN Thụy Điển cũng đưa ra các kiến nghị:

Thứ nhất, Chính phủ cần tiến hành kiểm tra và giám sát các khu mỏ đã đóng cửa khi khoản bảo lãnh tài chính đưa ra không đủ để thực hiện các biện pháp xử lý và để giảm thiểu các rủi ro tài chính mà chính quyền trung ương phải chịu.

Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cục Khảo sát Địa chất Thụy Điển phối hợp với Ban Hành chính Quận xây dựng chiến lược dài hạn để xử lý chất thải từ hoạt động khai thác mỏ, đánh giá các biện pháp xử lý mỏ sau khai thác và xem xét biện pháp sử dụng chất thải từ khai thác mỏ bao gồm việc khảo sát chi phí quản lý chất thải từ khai thác mỏ, quản lý sau khai thác và đánh giá việc thực hiện các biện pháp xử lý mỏ sau khai thác đối với các mỏ đã đóng cửa.

Thứ ba, Chính phủ cần xem xét việc đưa ra các quy định cụ thể hơn về cam kết bảo lãnh tài chính trong Luật Môi trường để đối phó với các trường hợp được cấp giấy phép khai thác nhưng không yêu cầu phải có bảo lãnh tài chính trước khi bắt đầu khai thác.

Thứ tư, Chính phủ cần cân nhắc sửa đổi luật để làm rõ công tác đánh giá của Cơ quan Thanh tra Thụy Điển đối với việc chuyển nhượng quyền khai thác, trong đó, cần bao gồm cả việc đánh giá các chi phí xử lý chất thải và xử lý mỏ sau khai thác để giảm thiểu các rủi ro tài chính mà chính quyền trung ương phải chịu liên quan đến các khoản chi cho hoạt động sau khai thác.

Cuối cùng, KTNN Thụy Điển kiến nghị Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển khẩn trương ban hành các quy định liên quan đến việc phân loại chất thải từ khai thác mỏ thuộc nhóm chất thải nguy hại. Ngoài ra, cần ban hành các văn bản hướng dẫn để Ban Hành chính quận góp ý cho Toàn án Môi trường và Đất đai về các hình thức và điều kiện đối với khoản bảo lãnh tài chính trước khi cấp giấy phép cho hoạt động khai thác mỏ và các hoạt động khác gây hại tới môi trường./.

Nguyễn Thị Thanh Phương – Vụ Hợp tác quốc tế
(Nguồn: Trang thông tin điện tử của KTNN Thụy Điển)

Xem thêm »