Sau khi tiến hành kiểm toán rác thải nhựa trên toàn quốc, Ủy ban Kiểm toán Môi trường của Anh (EAC) đã kêu gọi Chính phủ áp dụng chính sách thuế “latte 25p” - áp phí 25 xu trên một cốc cà phê dùng một lần - vào năm 2023 nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa.
Bà Mary Creagh - Chủ tịch EAC - cho biết: “Mỗi năm, Anh vứt bỏ khoảng 2,5 tỷ cốc cà phê dùng một lần. Hàng triệu cốc bị vứt bừa bãi mỗi ngày mà hầu như không được tái chế, làm bẩn đường phố, gây hại cho động vật hoang dã và làm ô nhiễm môi trường. Song các nhà sản xuất và phân phối cốc cà phê không có bất kỳ hành động nào để khắc phục điều này. Thị trường kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê của Anh đang mở rộng nhanh chóng, vì vậy, chúng ta cần bắt đầu một cuộc cách mạng trong tái chế. Hiện, chúng tôi đang kêu gọi giảm số lượng cốc sử dụng một lần và tái chế tất cả các cốc cà phê vào năm 2023.”
Thông qua khuyến nghị áp dụng chính sách thuế “latte 25p”, EAC cho rằng, doanh thu từ khoản phí này sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế để đảm bảo rằng cốc dùng một lần và các bao bì thực phẩm, đồ uống khác được tái chế. Khi tốc độ tái chế cho cốc cà phê được cải thiện, mức phí có thể được giảm xuống. Chủ tịch EAC kêu gọi Chính phủ cần đặt ra mục tiêu tái chế tất cả các cốc cà phê dùng một lần vào năm 2023 và nếu mục tiêu này không đạt được, Chính phủ cần cấm sử dụng chúng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần áp dụng cơ cấu phí tuân thủ trách nhiệm của nhà sản xuất nhằm thưởng cho những thiết kế bao bì có thể tái chế và tăng phí đối với bao bì khó tái chế; có chính sách thưởng cho các DN sử dụng bao bì bền vững và thân thiện với môi trường.
Chủ tịch EAC cho biết, các cốc cà phê dùng một lần có thể tái chế về mặt kỹ thuật, nhưng hầu hết lại không được tái chế. Ở Anh, hiện chỉ có 3 cơ sở tái chế có thể tách các thành phần giấy và nhựa của cốc cà phê để tái chế. Điều này dẫn đến việc chỉ có khoảng 1% số lượng cốc cà phê được tái chế. Do đó, EAC kêu gọi Chính phủ yêu cầu các cốc cà phê từ những quán cà phê không có hệ thống tái chế tại cửa hàng phải in nhãn hiệu “không được tái chế rộng rãi” để tăng cường nhận thức, giáo dục người tiêu dùng về cách vứt bỏ cốc qua sử dụng một cách tốt nhất.
(Theo BBC và The Guardian)
(Báo Kiểm toán số 1/2019)