Tanzania: Yếu kém và thiếu minh bạch trong quản lý tài chính công

21/02/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tổng Kiểm toán và Kiểm soát (CAG) Tanzania mới đây đã hoàn thành một Báo cáo kiểm toán hé lộ hàng loạt yếu kém trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách công của Chính phủ nước này. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn chưa được chính thức công khai theo quy định, gây bất bình trong công chúng.

Ngân sách bị thất thoát nhiều khoản tiền lớn

Vào tháng 3/2018, CAG Tanzania đã công bố Báo cáo kiểm toán thường niên cho năm tài chính 2016-2017. Báo cáo chỉ ra rằng, các cơ quan, tổ chức, DNNN đã chi tiêu lãng phí hàng nghìn tỷ Shilling Tanzania (TZS), chưa kể đến một số khoản chi ngân sách chưa được kiểm tra kỹ lưỡng. Đáng chú ý nhất là vụ việc 1.500 tỷ TZS (640 triệu USD) đã “không cánh mà bay” khỏi ngân sách của Chính phủ.

Quốc hội đã yêu cầu CAG điều tra về sự mất tích của khoản tiền trên. CAG ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt nhằm xem xét tình hình tài chính công của đất nước và thu thập chứng cứ về vụ việc này. Mới đây, CAG đã trình một Báo cáo kiểm toán lên Ủy ban Tài khoản công quốc gia (PAC). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Tanzania đã triệu tập CAG trong một cuộc điều trần kín, đồng thời, tạm thời đình chỉ hoạt động của tất cả các ủy ban giám sát, bao gồm cả PAC nhằm trì hoãn việc phát hành Báo cáo kiểm toán đề cập đến tình hình tài chính công đáng lo ngại của đất nước.

Bất chấp những gián đoạn trên, đầu tháng 02 này, PAC đã tiến hành đánh giá Báo cáo của CAG và lập một báo cáo riêng. Một thành viên của PAC tiết lộ, theo Báo cáo kiểm toán của CAG, không phải chỉ có 1.500 tỷ TZS bị thất thoát, trên thực tế, số tiền này còn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, con số chính xác đến nay vẫn chưa được công bố. Báo cáo của CAG cũng tiết lộ mối lo ngại về một khoản tiền lên tới  976,97 tỷ TZS (420 triệu USD) đã được chi tiêu bừa bãi, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Ngoài ra, Báo cáo của CAG đã phát hiện ra nhiều bất thường và đưa ra những lo ngại về tình hình tài chính, hậu quả của công tác quản lý ngân sách lỏng lẻo, tắc trách, tồn tại nhiều điểm yếu. Các giao dịch từ một số tài khoản ngân hàng không được giám sát chặt chẽ, việc quản lý và sao lưu dữ liệu hay bị lỗi và chưa phù hợp.
 
Thiếu minh bạch trong quản lý tài chính

Sau khi nhậm chức vào năm 2015, Tổng thống Tanzania John Magufuli đã nhanh chóng phát động một chiến dịch chống tham nhũng được toàn thể công chúng ca ngợi, ủng hộ. Ông đã thực hiện một số hành động nhằm thắt chặt công tác quản lý ngân sách của Chính phủ, hạn chế tối đa tình trạng rò rỉ quỹ công, điển hình là việc ông đã mạnh tay thanh lọc bộ máy nhân sự, phát hiện các đối tượng nằm trong danh sách ảo nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhiều khoản chi.

Tuy nhiên, 3 năm sau đó, tài chính công của Tanzania vẫn nằm trong tình trạng rối ren. Công tác giám sát tài chính của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả khiến nhiều khoản tiền lớn từ ngân sách công đã biến mất và hiện chưa thể tìm ra nguyên nhân. Báo cáo của CAG bày tỏ mối quan ngại rằng, công tác quản lý tài chính công của Tanzania khó có thể được cải thiện, thậm chí, có thể sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Trong phiên họp mới nhất của Quốc hội Tanzania, các nghị sỹ đã bàn thảo về việc ngân sách được phân bổ cho năm tài chính 2018-2019 thiếu tính hợp lý. Ví dụ, trong nửa đầu năm tài chính, Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) đã được nhận các khoản giải ngân trị giá 8,3 tỷ TZS (3,57 triệu USD), cao gấp 7 lần so với con số 1,2 tỷ TZS (516.000 USD) được Quốc hội thông qua trước đó.

Một số nghị sỹ tiết lộ, trong thời gian tới, NEC có thể được giải ngân thêm nhiều khoản tiền lớn nữa, dù NEC đã được phân bổ khoản tiền khổng lồ 12,4 tỷ TZS (5,33 triệu USD) vào tháng 9/2018 chỉ để tiến hành ba cuộc bầu cử.

Việc Quốc hội Tanzania cố tình che giấu Báo cáo kiểm toán của CAG đã bị công chúng phản đối trong bối cảnh các nước trên toàn thế giới đang ngày càng nỗ lực để tiến tới sự minh bạch về tài chính công. Một số nghị sĩ yêu cầu công khai báo cáo của CAG và PAC để tất cả các nghị sĩ có thể xem xét, tuy nhiên, yêu cầu này đã bị từ chối.

(Theo Allafrica và Africanarguments)
(Báo Kiểm toán số 8/2019)

Xem thêm »