Hoa Kỳ: Lỏng lẻo trong giám sát các khoản ngân sách hỗ trợ sinh viên  

22/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Báo cáo kiểm toán do Văn phòng Tổng Thanh tra, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công bố mới đây đã chỉ trích Quỹ Hỗ trợ sinh viên liên bang (FSA) không chú trọng công tác giám sát ngân sách hỗ trợ sinh viên vay tiền, thường xuyên để xảy ra nhiều sai sót khiến ngân sách của FSA đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

Phớt lờ sai sót của nhân viên

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo kiểm toán trên lần đầu vào ngày 12/02/2019. Sau lần đầu tiên Báo cáo kiểm toán được công bố, các lãnh đạo của FSA đã có phản hồi bằng văn bản, không đồng tình với một số phát hiện kiểm toán. Để củng cố tính chính xác của báo cáo, Văn phòng Tổng Thanh tra đã thu thập thêm các tài liệu, bằng chứng thuyết phục và công bố kèm Báo cáo kiểm toán trên lần thứ hai vào ngày 05/3.
Báo cáo kiểm toán được công bố lần thứ hai tiếp tục khẳng định những phát hiện trong Báo cáo trước là hoàn toàn chính xác. Theo đó, FSA bị chỉ trích đã không sát sao trong công tác giám sát ngân sách hỗ trợ sinh viên trên toàn liên bang, bỏ qua nhiều sai sót của các cán bộ quản lý Quỹ, thờ ơ với nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc những đối tượng vay nợ để giúp họ vạch ra các kế hoạch, phương hướng trả nợ. Thái độ, trách nhiệm của những cán bộ phụ trách Quỹ tỷ lệ nghịch với số tiền khổng lồ họ đã duyệt chi cho vay. Hiện tại, FSA đã ký kết các hợp đồng cho vay lên tới hơn 1.000 tỷ USD, trong đó, vô số hợp đồng vay tiền khó có thể được nghiệm thu đúng hạn.

Cuộc kiểm toán chỉ ra rằng, FSA có tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát hoạt động của Cơ quan, trong hơn 60% các báo cáo của FSA từ năm 2015 đến cuối năm 2017, có thể dễ dàng tìm thấy những trường hợp sai phạm. Tuy nhiên, dù tiến hành kiểm tra và phát hiện ra sai phạm nhưng các cán bộ của Cơ quan thường chỉ yêu cầu nhân viên phụ trách xem lại quy trình vay tiền để yêu cầu người vay sửa chữa nếu có sai sót chứ không hề kiểm tra xem sự cố đó có gây ra hậu quả và ảnh hưởng đến những đối tượng khác không.

Mặc dù nhân viên của FSA thường xuyên để xảy ra sai sót trong quá trình làm việc nhưng họ lại hiếm khi bị phạt hành chính. Báo cáo cho biết, trong 17 tháng qua, mặc dù để xảy ra nhiều sơ suất nhưng nhân viên của FSA chỉ bị phạt 2 triệu USD - chiếm chưa đến 0,12% của 1,7 tỷ USD mà FSA đã lập hợp đồng cho vay trong năm 2018 và 2019.

Báo cáo kiểm toán cũng lên án nhiều sai phạm khác tại FSA, trong đó chỉ trích một số cán bộ của FSA đã cấu kết với những người vay tiền nhằm trục lợi cá nhân; những người có trách nhiệm của cơ quan đã không làm đúng thủ tục, không tiến hành xem xét phương thức, thời gian trả nợ của người vay tiền, không xem xét thu nhập, khả năng trả nợ của họ trước khi ký kết các hợp đồng cho vay, gây ra nhiều rủi ro trong việc thu tiền về cho ngân sách.

Đáng lưu ý, khi các sai phạm nghiêm trọng nêu trên bị Văn phòng Tổng Thanh tra của Bộ Giáo dục phát hiện, FSA đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Cơ quan này vẫn chưa thực sự tích cực trong hoạt động chuyên môn và vẫn để những sai sót lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều năm liền.

Sinh viên nghèo là những người chịu hậu quả

Một cuộc điều tra của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ trong năm 2018 đã chỉ ra rằng, một chương trình xóa nợ cho các công chức, viên chức nhà nước đã từ chối hơn 99% số người nộp đơn xin được xóa nợ, trong số 28.000 đơn xin xóa nợ, chỉ có 96 đơn được phê duyệt. Đa số những đơn thư bị từ chối xóa nợ là do trong quá trình thực hiện, các hợp đồng này đã được ký kết mà không tuân thủ đầy đủ mọi quy định vay tiền, để xảy ra những sai sót và nhầm lẫn.

Trường hợp trên cũng giống với tình trạng đã xảy ra tại FSA. Những sinh viên có nhu cầu vay tiền hỗ trợ từ ngân sách liên bang đều thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình thực sự không có khả năng trả nợ, muốn nộp đơn xin xóa nợ nhưng hồ sơ vay tiền lại không đảm bảo đúng quy định. Đó là một trong những hậu quả mà người cho vay phải gánh chịu do những sai sót, nhầm lẫn của các cán bộ FSA.
Ban Lãnh đạo của FSA cho biết, tình hình hoạt động hiện tại của Cơ quan đã ổn định và khả quan hơn hai năm về trước, tuy nhiên, sau khi Báo cáo kiểm toán trên được công bố, Cơ quan đã thực hiện một số khuyến nghị được đưa ra, đặc biệt, tích cực củng cố công tác đào tạo, răn đe nhân viên để khắc phục và hạn chế các sai sót trong quy trình duyệt các hợp đồng cho vay tiền.

Báo cáo kiểm toán trên được cho rằng tác động mạnh mẽ, sâu rộng, có khả năng thúc đẩy các cơ quan khác trên toàn liên bang nỗ lực hơn trong việc củng cố, chấn chỉnh lại hoạt động quản lý các quỹ hỗ trợ và cho vay của Chính phủ.

(Theo Nytimes và Newsok)
(Báo Kiểm toán số 17/2019)

Xem thêm »