Madagascar: OIG kiến nghị sử dụng nguồn tài trợ cho y tế hiệu quả hơn

28/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Madagascar là một quốc gia có tỷ lệ nghèo đói cao nhưng lại xếp thứ 155/180 quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất. Các khoản tài trợ hiện tại của GF dành cho Madagascar có tổng trị giá khoảng 82,74 triệu USD, bao gồm: 2 quỹ trợ cấp bệnh nhân HIV, 2 quỹ trợ cấp bệnh nhân sốt rét và 1 quỹ trợ cấp bệnh nhân lao. Đây là quốc gia nằm trong danh sách những nước nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ GF do tình trạng nghèo đói trầm trọng, gánh nặng bệnh tật cao.

Sau cuộc kiểm toán lần thứ hai của Văn phòng Tổng Thanh tra nước Cộng hòa Madagascar(OIG) đối với Quỹ Toàn cầu (GF) tại đây, Văn phòng đã tổng kết những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục.
 
Tiến bộ trong quản lý tài chính

Cuộc kiểm toán được thực hiện nhằm tập trung đánh giá hiệu quả của các cơ chế quản lý và giám sát nói chung đối với ngân sách của GF tài trợ cho Madagascar, đặc biệt tập trung xem xét công tác quản lý, kiểm soát tài chính và cơ chế vận hành chuỗi cung ứng trong kế hoạch cấp thuốc đến tay bệnh nhân.

OIG đã xem xét công tác quản lý, sử dụng các khoản tài trợ của GF tại Madagascar trong 21 tháng, từ tháng 4/2016 đến ngày 31/12/2017. Báo cáo cho biết, hơn 60% tổng kinh phí tài trợ, bao gồm cả các kinh phí mua sắm tại địa phương, đã được xem xét rất kỹ lưỡng do trước đó, nguồn vốn tài trợ chưa được quản lý hiệu quả. Trong cuộc khảo sát này, nhóm kiểm toán viên của OIG đã đến kiểm tra 18 cơ sở y tế, trung tâm y tế và văn phòng quản lý để thu thập những thông tin cần thiết phục vụ cho cuộc kiểm toán trên.

Kết quả kiểm toán cho biết, Chính phủ Madagascar đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phòng, chống 3 căn bệnh HIV/AIDS, sốt rét và lao. Số ca tử vong tại Madagascar do căn bệnh sốt rét đã giảm 33% trong giai đoạn 2013-2016, số người nhiễm HIV được điều trị tăng hơn 3 lần trong giai đoạn 2014-2017 (từ 750 lên 2.321 người), tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao là 86% (vượt mục tiêu của chương trình đưa ra là 85%). Bằng việc áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả do GF vạch ra, Chính phủ Madagascar đã từng bước hạn chế, giảm thiểu các rủi ro tài chính, quản lý chặt chẽ hơn các khoản thanh toán, chi tiêu, mua sắm; từng bước mở rộng việc áp dụng các phần mềm kế toán ở các cấp địa phương. Đặc biệt, cuộc kiểm toán không phát hiện thấy hành vi gian lận tài chính hoặc thất thoát tài sản vật chất nào.
 
Còn khó khăn, hạn chế trong thực hiện dịch vụ y tế

Theo OIG, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và giám sát các chương trình tài trợ của chính quyền các cấp tại Madagascar vẫn còn những yếu kém, thiếu sót. Việc tiếp cận các dịch vụ của người bệnh, đặc biệt là những đối tượng nghèo, còn nhiều hạn chế; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh sốt rét cũng chưa được cải thiện đáng kể. Trong năm 2016, có tới 1,5 triệu người đã được xét nghiệm vì nghi ngờ mắc bệnh sốt rét, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Báo cáo cũng nêu rõ thách thức mà Chính phủ nước này phải đối mặt, khi 14 trên tổng số 25 triệu người dân đang sinh sống ở khu vực nông thôn - khu vực khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của Chính phủ. Mức độ bao phủ của các dịch vụ còn thấp, đặc biệt là đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi chiếm 40% các trường hợp mắc bệnh sốt rét nhưng không được chăm sóc đầy đủ; dữ liệu về kết quả chăm sóc bệnh nhân sốt rét tại cộng đồng cũng không được thống kê, cập nhật đầy đủ. Cùng với đó, địa lý xa xôi, giao thông tại các địa phương còn nhiều bất tiện; nhân lực công tác trong ngành y còn yếu và thiếu, chưa được đảm bảo các phụ cấp cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mặc dù số bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị tăng lên song tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV được phát hiện và điều trị thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ hiện mắc ước tính trên thực tế. OIG cho rằng, nguyên nhân là do công tác kiểm tra còn yếu, thiếu hụt các chương trình đào tạo nhân viên y tế về HIV. Các kế hoạch mua sắm thuốc tại các địa phương cũng tồn tại nhiều thiếu sót. Các đơn đặt hàng thuốc cho bệnh nhân HIV thường chậm trễ, nhiều thuốc đang trong tình trạng bị tồn kho trong một thời gian dài, thậm chí hằng năm.

Qua kết quả kiểm toán, OIG đã vạch ra một số mục tiêu chính mà Chính phủ và chính quyền các địa phương cần thực hiện, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng các cơ chế quản lý và giám sát các chương trình của GF; cải thiện chất lượng các dịch vụ và chú trọng công tác quản lý dữ liệu; thực hiện hiệu quả các chương trình cấp thuốc cho bệnh nhân của GF và quản lý, kiểm soát tài chính của các quỹ tài trợ có hiệu quả.

(Theo Aidspan và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 13/2019)

Xem thêm »