Châu Âu: Quan ngại về mất cân bằng sinh học trong nông nghiệp  

12/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA) lên tiếng cảnh báo rằng, Chính sách Nông nghiệp tiên phong của Liên minh châu Âu (CAP) đã không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái trong đa dạng sinh học, vốn là vấn đề nghiêm trọng trong phát triển nông nghiệp tại châu Âu.

Báo cáo của ECA được công bố vào ngày 05/6, đúng vào ngày Môi trường Thế giới. Ông Viorel Stefan - thành viên của ECA, người chịu trách nhiệm lập báo cáo - cho biết: “CAP đã không đủ hiệu quả và tình trạng mất cân bằng sinh học trầm trọng vẫn diễn ra, trở thành mối đe dọa lớn cho nông nghiệp và môi trường.”

ECA nhận định, cải cách mới của CAP gần như không có biện pháp ngăn chặn việc tiếp tục tăng cường hình thức thâm canh nông nghiệp. Các chuyên gia kết luận rằng, cải cách của CAP không hoàn thành mục tiêu của Chiến lược Đa dạng sinh học 2020 của Liên minh châu Âu (EU).

Vào năm 2011, EU đã từng xây dựng một chiến lược nhằm ngăn chặn việc mất cân bằng sinh học vào năm 2020. Theo chiến lược này, EU cam kết sẽ tăng hơn nữa những đóng góp của ngành nông nghiệp trong việc duy trì đa dạng sinh học trái đất, bảo tồn các loài động vật và môi trường sống của những loài bị ảnh hưởng bởi hoạt động phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, các kiểm toán viên chỉ trích rằng, trên thực tế, việc trồng trọt và tận thu đất trồng quá mức vẫn diễn ra là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng sinh học. Việc mở rộng EU vẫn tiếp tục làm xu hướng thâm canh nông nghiệp trên khắp châu Âu trở nên phổ biến hơn, điều này gây ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên. Đặc biệt, việc tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên toàn EU làm biến đổi đồng cỏ và sự thoát nước của khu vực đất than bùn.

EU dự kiến chi khoảng 8% ngân sách, tức là khoảng 13,5 tỷ Euro hằng năm dành cho vấn đề đa dạng sinh học trong năm 2019 và 2020. Song theo ECA, những khoản chi phí đã không được sử dụng hiệu quả cho các biện pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và đánh giá rằng “ít có tác động tích cực lên đa dạng sinh học”.

ECA cho biết, những kết quả của bản Báo cáo này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả của các chính sách và chiến lược về đa dạng sinh học trong giai đoạn 2030 tới đây. ECA cũng khuyến nghị Ủy ban châu Âu cần đưa vào trong Chiến lược Đa dạng sinh học 2030 những cam kết của tất cả các quốc gia thành viên trong vấn đề giải quyết mất cân bằng đa dạng sinh học.

(Theo EU Observer và EC Europa)
(Báo Kiểm toán số 24/2020)

Xem thêm »