Phần Lan: Cần giải quyết khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19  

30/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Văn phòng Kiểm toán quốc gia Phần Lan (NAOF) đã kiểm tra, đánh giá Kế hoạch tài khóa tổng thể của Chính phủ giai đoạn 2021-2024, đồng thời xem xét tác động của kế hoạch tài chính và các biện pháp của Chính phủ nhằm đối phó với những hậu quả của đại dịch Covid-19.

Theo dự báo của Bộ Tài chính Phần Lan, nợ công của Chính phủ sẽ tăng đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ nợ trên GDP (tỷ lệ giữa nợ Chính phủ của một quốc gia và tổng sản phẩm quốc nội) sẽ tăng gần 80% vào năm 2024. Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra của Chính phủ Phần Lan cũng gần giống các chính sách tại một số quốc gia Bắc Âu, chưa có biện pháp nào đột phá. Các biện pháp này được cho rằng rất khó thực hiện và chưa thể mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Theo Văn phòng Kiểm toán quốc gia, tại thời điểm hiện tại, công tác quản lý khủng hoảng kinh tế là vấn đề quan trọng nhất. Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này. Theo đó, Phần Lan cần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Ông Matthias Strifler - chuyên gia kinh tế cấp cao - cho rằng, trong giai đoạn cấp bách của cuộc khủng hoảng, các biện pháp nên tập trung vào mục tiêu tránh tối đa tình trạng các DN lần lượt phá sản và người lao động thất nghiệp hàng loạt. Khi niềm tin của người lao động được khôi phục và không còn những xáo trộn nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ nên đưa ra các biện pháp kích thích, thúc đẩy nền kinh tế.

Theo ông Matti Okko - Giám đốc Phòng Kiểm toán chính sách tài khóa của NAOF, Chính phủ nên đưa kế hoạch chính sách tài khóa trở lại bình thường càng sớm càng tốt bởi trong tình hình hiện nay, một số biện pháp Liên minh châu Âu đưa ra giúp các nước thành viên quản lý tài chính, đối phó với khủng hoảng không còn nhiều giá trị.

(Theo vtv.fi/en)
(Báo Kiểm toán số 26/2020)

Xem thêm »