(sav.gov.vn) - Phát triển bền vững được xây dựng dựa trên sự kết hợp hài hòa các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Nó đòi hỏi mức độ nhất quán cao về chính sách quản trị, bao gồm nhiều yếu tố kết hợp chặt chẽ với nhau để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, điều này thúc đẩy sự gắn kết về mặt chính trị giữa các quốc gia vì mục tiêu chung. Các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới được đặt nhiều kỳ vọng trong việc thúc đẩy các chính sách nhất quán nhằm phát triển bền vững và quản lý tài chính lành mạnh.
Tính nhất quán của chính sách là một khái niệm rộng. Nó có thể được hiểu là một nguyên tắc mà chính phủ tìm cách giảm thiểu xung đột và tăng cường hiệu quả các hành động của mình nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tính nhất quán của chính sách gắn với khía cạnh phát triển bền vững và liên quan đến toàn xã hội có thể được minh họa bằng hình sau:
(Whole of Society: Toàn xã hội; Policy Coherence: Chính sách nhất quán; Policy Integration: Hội nhập chính sách; Sustainable Development: Phát triển bền vững; Vertical: Theo chiều dọc; Global: Toàn cầu; Regional: Cấp khu vực; National: Cấp quốc gia; Sub-regional: Cấp tiểu khu vực; Local: Cấp địa phương; Horizontal: Theo chiều ngang; Policy Sectors: Các khu vực chính sách; Long time span: Thời gian dài hạn)
Chính sách nhất quán giúp thúc đẩy phát triển bền vững dài hạn ở tất cả các cấp xã hội của các quốc gia. Nhận định này dựa trên các cuộc thảo luận của nhóm công tác Diễn đàn mạng lưới các nhà đánh giá môi trường châu Âu năm 2020 và được sửa đổi trên cơ sở Báo cáo Khu vực công thế giới năm 2018 của Liên Hợp Quốc.
Công cụ để đánh giá tính nhất quán chính sách, cách thức vận dụng của SAI
Từ những năm 1990, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã quan tâm giải quyết vấn đề nhất quán chính sách để phát triển nhằm mục đích lồng ghép các vấn đề của quốc gia đang phát triển vào tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công. Hiện nay, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững được xây dựng nhằm cung cấp cho cộng đồng quốc tế một khung chương trình tham khảo để cùng nhau giải quyết những thách thức lớn như đói nghèo, thay đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và khủng hoảng sức khỏe. Theo đó, OECD đang hướng đến mục tiêu tính nhất quán chính sách vì sự phát triển bền vững và khuyến khích các quốc gia ủng hộ tính nhất quán của chính sách bằng cách xây dựng tầm nhìn chiến lược để thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trọng tâm là việc xây dựng thể chế và phát triển các công cụ giúp việc đánh giá tác động trong nước, xuyên biên giới và dài hạn của các chính sách nhất quán dễ dàng hơn.
Ngày nay, có rất nhiều cuộc thảo luận về tính nhất quán của chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ngày càng thu hút được sự quan tâm của các quốc gia và đã được Liên Hợp Quốc định hướng đưa vào Chương trình nghị sự 2030 để thảo luận, đánh giá. Điều quan trọng là cần có công cụ để đo lường và đánh giá tính nhất quán của chính sách? Điều này rất được chú ý bởi lẽ nó sẽ là định hướng cho xu thế phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy các quốc gia theo đuổi vì sự thịnh vượng chung của thế giới. OECD đã thiết lập một công cụ để đánh giá năng lực thể chế của các quốc gia nhằm theo đuổi một chính sách nhất quán từ quan điểm phát triển bền vững. Đây là công cụ quan trọng mà SAI Hoa Kỳ, Brazil đã vận dụng để phát triển một mô hình đánh giá sự trùng lặp, phân mảnh, chồng chéo và lỗ hổng trong các chức năng của cơ quan công quyền. Mô hình giúp xác định tác động của các chính sách không nhất quán và giúp SAI có thể đưa ra các kết luận, khuyến nghị phù hợp với môi trường cụ thể.
Mô hình DFOG của SAI Brazil giúp đánh giá sự không nhất quán về chính sách trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan công quyền
(DFOG stands for…: DFOG là…;Duplication: Trùng lắp; Fragmentation: Manh mún; Overlap: Chồng lấn; Gap: Khoảng trống)
Cơ quan Kiểm toán nhà nước Phần Lan (NAOF) với các khuyến nghị có giá trị về đánh giá chính sách nhất quán
Trước khi tiến hành các cuộc kiểm toán liên quan đến vấn đề khí hậu ở Phần Lan, các chuyên gia, kiểm toán viên của NAOF đã đặt ra câu hỏi là tại sao sự thiếu nhất quán chính sách lại là một vấn đề cần giải quyết trong các vấn đề về môi trường? Liệu có các các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau bị mâu thuẫn trong chính sách về khí hậu hay không? Các cuộc kiểm toán liên quan đến khí hậu mà NAOF thực hiện đã chỉ ra sự thiếu nhất quán này. Kết quả kiểm toán cho thấy, Chính phủ đã sử dụng nguồn thu từ thuế đầu tư lớn cho nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên việc đầu tư này lại ảnh hưởng đến mục tiêu giảm khí thải và môi trường trong lành, điều đáng lưu ý là số tiền ngân sách hỗ trợ cho việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch lớn hơn nhiều chi phí cho mục tiêu giảm khí thải và bảo vệ môi trường. Như vậy, việc sử dụng nguồn thu từ thuế để làm giảm lượng khí thải, tạo môi trường xanh đã bị “phá hoại” bởi chính sách đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, NAOF khuyến nghị Chính phủ cần phải cân bằng nhiều chính sách khác nhau để đạt được lợi ích tối đa cho xã hội; đồng thời cần nhất quán nhiều mục tiêu của chính sách và phải giảm thiểu hành động làm giảm tác dụng của chích sách đến các mục tiêu chung. Mặt khác, khi các chính sách đưa ra nếu đảm bảo tính gắn kết với nhau thì việc quản lý tài chính cũng sẽ kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hơn, tăng cường tính minh bạch, lành mạnh trong quản lý nguồn lực công. Điều quan trọng là Chính phủ phải quan tâm đến tính nhất quán của chính sách để triệt tiêu các chính sách chồng chéo gây ảnh hưởng lẫn nhau.
Vai trò của SAI giúp cải thiện xung đột các vấn đề chính sách vì sự phát triển bền vững
Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững. Tùy thuộc vào thể chế chính trị và điều kiện cụ thể mà Chương trình nghị sự 2030 được thể hiện khác nhau ở mỗi quốc gia, song các mục tiêu phát triển bền vững đã hướng đến tính nhất quán của chính sách, đồng thời nhiều phương pháp cụ thể được phát triển để tăng tính liên kết giữa các chính sách với nhau. SAI là tổ chức kiểm toán khu vực công hàng đầu của quốc gia được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp giúp cải thiện các xung đột về chính sách thông qua triển khai các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán đánh giá chính sách… nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình trong thực hiện các chính sách công. Bằng cách này, SAI sẽ đưa ra được ý kiến độc lập và kiến nghị giúp chính phủ xử lý các xung đột chính sách vì sự phát triển bền vững tốt hơn. Mặc dù sẽ luôn có những mục tiêu chính sách mâu thuẫn một phần trong xã hội, nhưng có thể giải quyết các xung đột hiệu quả hơn bằng cách tham vấn các chuyên gia, cơ quan, tổ chức độc lập, trong đó các SAI với vai trò độc lập trong đánh giá chính sách sẽ giúp chính phủ xử lý tốt các xung đột và mâu thuẫn về chính sách, góp phần xây dưng chính sách nhất quán vì mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc./.
TS. Nguyễn Quán Hải
Ths. Nguyễn Thị Thúy