(Centre for Policy Research) - Ngày 14/6/2021 đưa tin về nghiên cứu đối với “Chính phủ mở về giáo dục: kinh nghiệm từ Kiểm toán xã hội ở Ấn Độ” đã được công bố. Nghiên cứu xem xét cuộc kiểm toán xã hội (kiểm toán có sự tham gia của người dân) đầu tiên về giáo dục được thực hiện ở Ấn Độ, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền Trẻ em (NCPCR). Cuộc kiểm toán được xem là một dự án thử nghiệm thực hiện tại 10 bang của Ấn Độ.
Kiểm toán xã hội là một phương pháp hữu hiệu để tăng cường hiệu quả của Chính phủ mở, trong đó dựa vào người dân là tác nhân chính. Loại hình kiểm toán này được xây dựng trên nguyên tắc thông tin giúp người dân tham gia nhiều hơn vào công việc kiểm toán và đưa ra các ưu tiên, từ đó, họ có thể giám sát việc thực hiện các quyền lợi của họ. Nghiên cứu xem xét hai trong số mười địa điểm cuộc kiểm toán xã hội đã được thực hiện để thu thập ý kiến của các bên liên quan khác nhau về những kết quả và thách thức của cuộc kiểm toán trên cơ sở lập luận rằng, để diễn ra hoạt động giám sát do người dân lãnh đạo, cần phải có các công cụ và quy trình tham gia, cũng như các nền tảng hỗ trợ hoạt động tương tác giữa người dân và Chính phủ.
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân được tiếp cận trực tiếp với thông tin và các nền tảng cho phép họ đối thoại với Nhà nước và chứng minh rằng trách nhiệm giải trình có thể được hình thành thông qua các quá trình như vậy, từ đó trao quyền cho các nhóm xã hội lâu nay thường bị gạt ra ngoài lề xã hội, chẳng hạn như phụ nữ. Nghiên cứu cũng khẳng định rằng, hoạt động này đòi hỏi đầu tư về thời gian và nguồn lực để có thể triển khai và duy trì lâu dài. Do đó, các cơ quan công quyền cần cam kết thực hiện chiến lược tạo điều kiện tiếp cận thông tin và sự tham gia của người dân, cũng như thực hiện giám sát việc triển khai là những điều kiện tiên quyết cốt lõi để kiểm toán xã hội thành công./.
Bản tin quốc tế của KTNN số 104 ngày 30/6/2021