Những lưu ý khi xây dựng đề cương kiểm toán quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng đô thị

25/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tính đến tháng 5/2021, các KTNN khu vực (I, III, IV, VIII, X) đã thực hiện được tổng cộng 6/15 cuộc kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020. Nhìn chung, tất cả các cuộc kiểm toán đều được thực hiện dựa trên Đề cương kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành nên các đơn vị định hướng được trình tự, thủ tục kiểm toán, từ đó phát hiện nhiều bất cập, sai phạm.

Nhiều sai phạm trong công tác quản lý và cấp phép xây dựng

Cụ thể, trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhiều địa phương ban hành văn bản về quản lý điều hành, lập và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch làm cơ sở lập đồ án quy hoạch còn chưa đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu quản lý và kế hoạch đề ra. Thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung. Một số đồ án quy hoạch phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần. Lập đồ án quy hoạch chưa đảm bảo trình tự, thủ tục thời gian quy định; chưa thành lập Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch.

Đối với công tác cấp phép xây dựng, các cơ quan chủ quản vẫn cấp phép xây dựng một số dự án có chỉ tiêu vượt quy chuẩn, chưa phù hợp với quy hoạch và thiết kế được duyệt về mật độ xây dựng, số tầng cao, cao độ các tầng, diện tích. Cấp phép không phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; không phù hợp với quy chuẩn quốc gia; sai quy định về khoảng lùi, thiếu chỗ đỗ xe ô tô, không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thậm chí, hồ sơ cấp phép xây dựng chưa có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất xây dựng công trình hoặc giấy tờ chưa phù hợp. Một số công trình khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng, không che chắn rơi vãi vật liệu thi công, thi công sai nội dung giấy phép xây dựng, tự ý cơi nới thêm một số hạng mục sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, xây dựng tầng hầm không phép.

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình kiểm toán, các đoàn kiểm toán cũng gặp một số khó khăn, cụ thể như: các dự án đầu tư thường kéo dài, quá trình thực hiện thay đổi chủ đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án nên công tác phối hợp cung cấp hồ sơ của các cơ quan quản lý và chủ đầu tư còn chậm, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả kiểm toán.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị là công việc đòi hỏi sự am hiểu chuyên môn sâu trên nhiều lĩnh vực (quản lý đô thị, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin, môi trường…). Trong khi đó, nhân lực tham gia đoàn kiểm toán bị hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn. Chính vì vậy, một số nội dung khó triển khai như: đánh giá sự phù hợp quy hoạch với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc phòng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng không gian ngầm, kiến trúc, cảnh quan, môi trường đô thị.

Lưu ý xây dựng đề cương, lập kế hoạch kiểm toán

Để tháo gỡ những khó khăn, nâng cao chất lượng kiểm toán Chuyên đề trên, đối với đề cương kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần rà soát các mẫu biểu chưa sát với các biểu mẫu báo cáo theo quy định của các nghị định, thông tư dẫn đến mất nhiều thời gian trong thu thập thông tin, số liệu để lập kế hoạch kiểm toán. Trường hợp thật cần thiết mới thiết kế thêm mẫu biểu để giảm thủ tục hành chính. Ngoài ra, các đơn vị cần rà soát nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán trong đề cương, kịp thời báo cáo lãnh đạo KTNN xem xét chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kiểm toán.

Khi triển khai khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần tăng cường nhân sự và thời gian để xác định đầy đủ nội dung, trọng tâm, trọng yếu và phạm vi kiểm toán. Trong đó, các dự án (đồ án) chọn kiểm toán chi tiết cần được thu thập đầy đủ hồ sơ, nghiên cứu và xây dựng cụ thể vào kế hoạch kiểm toán tổng thể để phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện; làm rõ việc phân cấp của từng địa phương về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quản lý đất đai một cách chính xác để chọn nội dung, phạm vi và bố trí nhân sự tại từng đơn vị.

Mỗi đoàn kiểm toán phải thực hiện xây dựng đề cương và kế hoạch kiểm toán theo hướng tập trung vào những nội dung trọng yếu: công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch; công tác giao đất, sử dụng đất; đầu tư và phát triển các khu đô thị, các dự án bất động sản đô thị theo quy hoạch. Đồng thời, xác định các dự án khu đô thị, dự án phát triển bất động sản và các chủ đầu tư cụ thể là đối tượng kiểm toán trung tâm, từ đó kiểm toán đánh giá các vấn đề từ duyệt quy hoạch xây dựng đô thị đến chấp hành quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch.

Tùy vào đặc thù của từng địa phương, trên cơ sở đề cương kiểm toán đã ban hành, KTNN giao các KTNN khu vực lựa chọn phạm vi của cuộc kiểm toán, phương thức tổ chức kiểm toán (lồng ghép hay tổ chức riêng thành 1 cuộc kiểm toán) để nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.

KTNN và các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cần tổ chức tập huấn chuyên sâu trước khi triển khai kiểm toán; thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm toán. Ngoài ra, các đoàn cần tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để thu thập bằng chứng nhằm đánh giá hiệu quả công tác quản lý sau quy hoạch, quản lý sau cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng của địa phương.

Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán
(Báo Kiểm toán số 34/2021)

Xem thêm »