Malaysia: Chương trình giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề chưa đạt mục tiêu

19/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Vừa qua, báo cáo của Tổng Kiểm toán Malaysia cho năm tài chính 2019 đã chỉ ra rằng, Chương trình giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề (TVET) chưa đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Chính phủ Malaysia đã phân bổ gần 29,7 tỷ Ringgit Malaysia (RM), tương đương 7,14 tỷ USD, cho 6 cơ quan gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Nguồn nhân lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thanh niên và Thể thao, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trong nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề.

Báo cáo kiểm toán tập trung xem xét hiệu quả hoạt động và công tác quản lý TVET của các cơ quan nhà nước từ năm 2016-2020 cho thấy, các cơ quan trên đã không thực hiện công tác đánh giá hiệu quả hoạt động của các chương trình dạy nghề. Những yếu kém trong quản lý TVET cũng được chỉ ra, đặc biệt trong quá trình phân bổ Chương trình xuống các địa phương và công tác cấp chứng chỉ, chứng nhận; năng lực của đội ngũ giảng viên và quản lý cũng không được đánh giá và bổ túc định kỳ…

Số học sinh tham gia TVET trong giai đoạn 2016-2020 đã giảm mạnh, năm 2016 giảm 1% thì đến năm 2020 đã giảm tới 24,6%. Số học sinh nhập học năm 2016 là 139.699 học sinh nhưng năm 2020, con số này chỉ là 99.589 học sinh. Cũng trong giai đoạn này, chỉ 474.672 (52,8%) sinh viên tốt nghiệp trong khi mục tiêu Chương trình đặt ra cho năm 2020 là “giúp 900.000 sinh viên tốt nghiệp và có cơ hội nhận việc làm”.

Công tác thu hồi các khoản vay từ ngân sách giúp hỗ trợ sinh viên cũng bị chỉ trích. Cụ thể, hơn 1,3 tỷ RM hỗ trợ sinh viên vay tiền được giải ngân thông qua Công ty Quản lý Quỹ phát triển kỹ năng và 443,6 triệu RM được phân bổ thông qua Quỹ Cho vay quay vòng các khoản vay giáo dục liên bang vẫn chưa được thu hồi…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý TVET, Báo cáo kiểm toán đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh, các Bộ và cơ quan liên quan cần thực hiện một số biện pháp giúp nâng cao hiệu quả của Chương trình, bao gồm tiến hành một nghiên cứu toàn diện để đánh giá tác động của TVET.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một hội đồng thẩm định chất lượng và giám sát việc trao chứng chỉ để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp TVET đáp ứng được các tiêu chuẩn của các DN khu vực công và tư nhân.

(Theo thestar.com.my)
(Báo Kiểm toán số 46/2021)

Xem thêm »