(sav.gov.vn) - Cơ quan Kiểm toán quốc gia Litva (NAO Litva) đã thực hiện một cuộc kiểm toán nhằm đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện Chương trình phát triển địa phương giai đoạn 2022-2030. Cuộc kiểm toán chỉ ra những thiếu sót khiến Chương trình chưa được thực hiện hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.
Litva cần nỗ lực để phát triển, đổi mới các địa phương. Ảnh: ST
Những thiếu sót khiến Chương trình chậm tiến độ
NAO Litva đã công bố một báo cáo trong đó nhấn mạnh, trong những năm đầu thực hiện, Chương trình phát triển địa phương giai đoạn 2022-2030 chưa được chú trọng, thậm chí nhiều kế hoạch đã bị chậm trễ so với tiến độ đề ra. Do đó, nếu Chương trình không được đẩy mạnh hơn, mục tiêu thu hẹp, tiến tới xóa bỏ sự chênh lệch giữa các địa phương khó có thể đạt được.
Báo cáo chỉ ra rằng, hơn một nửa số thành phố của Litva đã không thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, kinh tế, đổi mới, năng lượng… đã được nêu ra trong Chương trình. Nhiều số liệu được nêu ra trong các kế hoạch phát triển địa phương chưa thực tế và không có nhiều ý nghĩa trong việc giúp thúc đẩy các địa phương thay đổi, tiến bộ hơn. Việc lên kế hoạch quản lý, sử dụng 33% nguồn tài trợ được phân bổ rất chậm trễ, đặc biệt tại 2 khu vực, 50% nguồn tài trợ vẫn chưa được lên kế hoạch sử dụng sau một thời gian dài.
Theo kết quả kiểm toán của NAO Litva, việc soạn thảo Chương trình phát triển địa phương giai đoạn 2022-2030 chưa được tổ chức hiệu quả, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của các địa phương nên trong thời gian tới khó có thể mang lại hiệu quả cao.
NAO Litva nhận thấy tất cả các Hội đồng phát triển khu vực và hơn một nửa số thành phố của Litva đã không thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện nhiều lĩnh vực quan trọng. Do đó, cần sớm có biện pháp mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình phát triển địa phương giai đoạn 2022-2030.
Bên cạnh đó, NAO Litva chỉ ra rằng, một số Bộ, ngành đang áp đặt khá nhiều điều kiện, các hoạt động được tài trợ phải đối mặt với nhiều hạn chế và các biện pháp được đề xuất để thực hiện Chương trình tại mỗi địa phương tương đối ít. Những yếu tố này ảnh hưởng tới việc các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm phát triển khu vực.
NAO Litva cũng chỉ ra tình trạng thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình; thiếu các chuyên gia có thể cung cấp hỗ trợ chuyên môn cho các Hội đồng phát triển khu vực và các thành phố. Đặc biệt, việc xây dựng Chương trình phát triển địa phương đã mất khoảng 1,5 năm, kéo dài hơn nửa năm so với kế hoạch, làm ảnh hưởng đến thời gian còn lại để thực hiện bị rút ngắn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu
Báo cáo của NAO Litva đưa ra khuyến nghị, cần cải tiến các biện pháp phù hợp hơn với các điều kiện hiện có, cũng như nhu cầu thực tế của mỗi khu vực. Bên cạnh đó, phạm vi của Chương trình chưa bao quát và thiếu sự tham gia kịp thời của địa phương trong việc lập kế hoạch khiến nhiều vấn đề không được giải quyết; việc lập kế hoạch phát triển khu vực chưa hiệu quả, chưa gắn với mục tiêu của Chương trình.
Ông Mindaugas Macijauskas, Tổng Kiểm toán NAO Litva cho rằng: “Mọi công dân đều có quyền bình đẳng, có quyền tiếp cận cơ hội giáo dục, việc làm, dịch vụ y tế, giao thông, công cộng và các dịch vụ như nhau. Tình trạng chênh lệch kinh tế và xã hội giữa các khu vực của đất nước đang được giải quyết, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa đáng kể. Cuộc kiểm toán cho thấy, với tốc độ như này, Chương trình sẽ chỉ đóng góp một phần nhỏ vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương”.
Tổng Kiểm toán chỉ ra rằng, một số biện pháp không phù hợp do không giúp giải quyết được các vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt. Ví dụ, Bộ Môi trường đưa ra một số biện pháp nhằm dọn dẹp các địa điểm bị ô nhiễm và hư hại cho 60 thành phố, tuy nhiên, chỉ 4 thành phố có kế hoạch tham gia, mặc dù việc tham gia này là cần thiết đối với tất cả các thành phố. Hầu hết chính quyền các thành phố cho biết, họ không đồng tình với các điều kiện của những biện pháp được đưa ra.
NAO Litva cho rằng, các Bộ, ngành cần có sự lãnh đạo chủ động, sát sao hơn để xác định các biện pháp có liên quan đến các địa phương nhằm giúp mở rộng phạm vi, hiệu lực của Chương trình. Nếu các công cụ hiện có hấp dẫn hơn đối với các khu vực và thành phố, điều này có thể đóng góp nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề của từng khu vực.
Để đảm bảo Chương trình phát triển địa phương giai đoạn 2022-2030 đáp ứng được nhu cầu của các khu vực, báo cáo của NAO Litva nhấn mạnh, ít nhất 80% các biện pháp của Chương trình phải thu hút được sự tham gia của tất cả các địa phương vào cuối năm 2027. Để đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình, cần kêu gọi các Hội đồng phát triển khu vực tích cực tham gia nhiều hơn vào các kế hoạch của Chương trình và trước mắt cần đạt được các mục tiêu đã đề ra đến năm 2025./.
(Theo NAO Litva và tổng hợp)