Hàn Quốc: Điều tra làm rõ việc tham ô và lạm quyền tại Ủy ban Olympic

Đầu tháng 7 vừa qua, Văn phòng Công tố Trung ương Seoul (Hàn Quốc) đã mở cuộc điều tra đối với Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia (KOC) Kim Jung Haeng và một số quan chức chủ chốt khác của KOC do nghi ngờ tham ô và lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Cuộc điều tra được khởi nguồn từ kết quả cuộc kiểm toán toàn diện năm 2013 đối với các tổ chức và hiệp hội thể thao Hàn Quốc, trong đó bao gồm cả KOC, với nỗ lực nhổ tận gốc nạn tham nhũng đang lan tràn trong lĩnh vực thể thao quốc gia.


Cuộc kiểm toán năm 2013 được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho một Thế vận hội mùa đông minh bạch, sau khi thành phố Pyeongchang được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lựa chọn đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018.

KOC là một tập hợp các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển thể thao của Hàn Quốc, đã từng tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn gây tiếng vang trên trường quốc tế.  Ông Kim Jung Haeng bị cáo buộc thực thi tầm ảnh hưởng của mình tới các tổ chức và hiệp hội thể thao để đổi lấy sự ủng hộ bằng cách cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính với ngân sách hàng tỷ Won hàng năm.

Tiếp sau diễn biến của cuộc kiểm toán trên, tháng 5/2014, cơ quan cảnh sát và Văn phòng Công tố Trung ương Seoul đã phối hợp thành lập một nhóm điều tra đặc biệt về những cáo buộc sai phạm trong các tổ chức và hiệp hội thể thao nói trên. Đồng thời trao thêm quyền cho Tổ chức Phát triển thể thao Hàn Quốc (KSPO) - một tổ chức mang lại khoảng 55,3 kinh phí cho thể thao Hàn Quốc từ các nguồn tài trợ, để điều tra làm rõ về số tiền Chính phủ tài trợ cho thể thao bị biển thủ. Kết quả, 330 trường hợp tham nhũng đã được phát hiện và các tổ chức liên quan bị cắt tài trợ của Chính phủ.

Trong cuộc điều tra đầu tháng 7 vừa qua, các công tố viên của Văn phòng Công tố Trung ương Seoul đã tiến hành xem xét các tài khoản ngân hàng của một số quan chức KOC bị tình nghi biển thủ tiền để lập “quỹ đen”. 

Ngoài các cáo buộc về tham ô, ông Kim Jung Haeng còn bị nghi ngờ có hành vi hối lộ trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn chức Chủ tịch KOC hồi năm 2013 sau khi người tiền nhiệm Park Yong Sung từ chức. Được biết, ông Kim Jung Haeng từng là một trong những người thân cận hơn 30 năm bên ông Park, vì thế ông Park Yong Sung đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp ông Kim thắng cử. 

Về phần mình, trong cuộc họp ban đại diện KOC diễn ra tại khách sạn Seoul Olympic Parktel, ông Kim Jung Haeng đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc và khẳng định bản thân ông không làm điều gì sai trái liên quan đến các hoạt động của KOC. 

Số tiền biển thủ hiện chưa được công bố, tuy nhiên, với những bằng chứng thu thập được, Văn phòng Công tố Trung ương Seoul đang hoàn tất thủ tục tiến hành bắt giữ ông Kim và những người liên quan khác để tiếp tục điều tra làm rõ.

Được biết, tháng 3 vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Dự luật Chống tham nhũng mới quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi tham nhũng của các đối tượng là công chức. Theo đó, các đối tượng có thể bị phạt tối đa đến 3 năm tù giam hoặc 5 lần giá trị số tiền hoặc tài sản mà họ đã nhận nếu số tiền hoặc giá trị tài sản tham nhũng trên 1 triệu Won (khoảng 900 USD) bất kể hành vi đó là để đổi lấy ưu đãi hoặc liên quan đến công việc mà họ đang đảm nhiệm. Dự luật này vốn từng gây nhiều tranh cãi trong một thời gian dài do lo ngại vi phạm các quyền tự do cá nhân đã được hiến pháp quy định./.

Theo Báo Kiểm toán số 34/2015