ASOSAI là tên viết tắt của tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) khu vực châu Á và là một trong 07 Nhóm công tác khu vực thuộc Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI)
Lịch sử hình thành, phát triển và vai trò của ASOSAI
ASOSAI được thành lập trên cơ sở đề xuất của ông Tantuico, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Phi-lip-pin tại Đại hội INTOSAI lần thứ IX tổ chức tại Lima, Peru tháng 10/1977. Vào tháng 9/1978, Tổng KTNN của 09 SAI khu vực châu Á cùng tham gia Hội thảo do Tổ chức phát triển quốc tế của Đức (DSE) tổ chức tại Béc-lin, Tây Đức. Nhân dịp này, các Tổng KTNN đã phê chuẩn và ký Hiến chương ASOSAI. Tháng 5/1979, Đại hội ASOSAI lần đầu tiên diễn ra tại Niu-đê-li, Ấn Độ, đánh dấu sự ra đời của Tổ chức. Đại hội đã phê duyệt Quy định và Điều lệ của ASOSAI.
Từ 11 thành viên ban đầu năm 1979, đến nay ASOSAI có 46 thành viên là cơ quan kiểm toán tối cao của các nước thành viên Liên Hợp Quốc ở châu Á với quy mô, tổ chức, tên gọi khác nhau nhưng thống nhất trong việc tăng cường và phát triển hoạt động kiểm toán đối với lĩnh vực công.
Mục tiêu của tổ chức ASOSAI là thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các SAI thành viên thông qua việc trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công; cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đóng vai trò là trung tâm thông tin và cầu nối giữa các SAI trong khu vực với các tổ chức khác trên thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công; thúc đẩy hợp tác và tình hữu nghị anh em chặt chẽ hơn giữa các kiểm toán viên nhà nước thuộc các SAI thành viên tương ứng và giữa các nhóm khu vực.
Tổ chức ASOSAI có chức năng khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu và thực hiện công bố các báo cáo nghiên cứu, các sản phẩm chuyên môn trong kiểm toán cũng như các lĩnh vực liên quan; tổ chức các hội nghị và hội thảo chuyên đề để các SAI thành viên trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công, đồng thời thực hiện các chức năng cần thiết khác phù hợp với mục tiêu của tổ chức.
Về mặt tổ chức, ASOSAI gồm các cơ quan: Đại hội, Ban Điều hành, Ban Thư ký, Ủy ban Phát triển năng lực, Ủy ban Kiểm toán và các Nhóm công tác.
Ý nghĩa, tầm quan trọng và những đóng góp của ASOSAI với nền kinh tế châu Á
Sau 38 năm hoạt động, ASOSAI đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế châu Á.
Thứ nhất, hoạt động kiểm toán của các SAI thành viên ASOSAI đóng vai trò chủ chốt trong giám sát hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, góp phần đảm bảo minh bạch các quan hệ kinh tế, tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công của các quốc gia trong khu vực.
Từ khi ASOSAI được thành lập tới nay, các thành viên đều gắn với trách nhiệm hỗ trợ công việc quản lý và phục vụ quản lý nhà nước. Thông qua hoạt động kiểm toán, cơ quan kiểm toán xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin kinh tế. Kết quả kiểm toán được lập thành báo cáo và công bố công khai theo quy định của pháp luật, là căn cứ để nhà nước đưa ra các chính sách và công cụ quản lý tài chính, kinh tế và xã hội phù hợp, đồng thời giúp đối tượng sử dụng thông tin đưa ra các quyết định đúng đắn, từ đó góp phần làm minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền tài chính của mỗi quốc gia nói riêng và nền kinh tế châu Á nói chung.
Thứ hai, Kế hoạch chiến lược của ASOSAI qua từng giai đoạn đều tập trung tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề và thách thức mang tính khu vực như khủng hoảng kinh tế và tài chính, vấn đề chuyển giá... từ đó đóng góp vào sự phát triển và ổn định nền kinh tế của mỗi quốc gia thành viên và khu vực châu Á. Thông qua các sáng kiến về phát triển năng lực, tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về kiểm toán công, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các SAI thành viên, ASOSAI đã thể hiện tốt vai trò của một trung tâm thông tin trung gian kết nối hoạt động của thành viên tổ chức trong các lĩnh vực chuyên môn. Trong vài thập kỷ qua, ASOSAI đã tổ chức hơn 100 hội thảo, hội nghị chuyên đề thảo luận các phương pháp, chủ đề kiểm toán, các phương pháp tiếp cận mới đối với hoạt động kiểm toán, chủ trì các cuộc kiểm toán chung, kiểm toán hợp tác giữa các SAI bên trong và bên ngoài tổ chức.
Thứ ba, ASOSAI đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống gian lận, tham nhũng cũng như ngăn ngừa hoạt động rửa tiền quốc tế trong khu vực và toàn cầu. Hoạt động kiểm toán của mỗi cá nhân các SAI thành viên được ghi nhận là công cụ hữu ích phục vụ cho việc minh bạch về tài chính thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức, các cấp ngân sách để phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công.
Với chức năng là tổ chức điều phối trung gian, ASOSAI luôn khuyến khích các ý tưởng khoa học, các bài nghiên cứu chuyên môn, và thường xuyên là cơ quan tổ chức biên soạn các tài liệu, hướng dẫn kiểm toán và các chủ đề liên quan. “Hướng dẫn của ASOSAI về xử lý gian lận”, Hội thảo ASOSAI về “Đấu tranh phòng, chống gian lận và tham nhũng”, “Đề án nghiên cứu thứ 10 của ASOSAI về phòng chống tham nhũng và nạn rửa tiền”,… là những nỗ lực tiêu biểu của ASOSAI trong công cuộc đấu tranh phòng, chống gian lận và tham nhũng, hướng tới minh bạch hóa nền tài chính khu vực.
Thứ tư, ASOSAI “nhắc nhở” nền kinh tế châu Á đang trên đà phát triển mạnh về yếu tố phát triển bền vững. Tiềm năng phát triển của kinh tế châu Á là vô cùng lớn khi mà nền kinh tế ở đây được ví von là “đầu tàu” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc các ngành công nghiệp, dịch vụ liên tục được đầu tư và đổi mới đôi khi khiến yếu tố môi trường - phát triển bền vững bị quên lãng. ASOSAI đã, đang và tiếp tục sẽ có những nỗ lực toàn diện để góp phần khắc phục và cải thiện yếu tố môi trường khu vực, hướng tới một nền kinh tế châu Á phát triển nhanh và bền vững. Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI, các hướng dẫn của ASOSAI về kiểm toán môi trường, hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận các khía cạnh kiểm toán môi trường… và Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam tới đây với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là những nỗ lực nổi bật của ASOSAI trong việc “bền vững hóa” nền kinh tế khu vực đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Theo Hiến chương INTOSAI, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thuộc các quốc gia là thành viên Liên hiệp quốc đều là thành viên INTOSAI. Các SAI thuộc khu vực châu Á và châu Đại Dương có nguyện vọng trở thành thành viên ASOSAI thì đăng ký gia nhập ASOSAI. Hiện nay, ASOSAI có 46 thành viên, phân loại thành 3 nhóm: thành viên sáng lập (là các SAI của những nước đầu tiên ký vào bản Hiến chương ASOSAI năm 1979), thành viên (là các SAI thuộc các nước châu Á và châu Đại Dương đã gia nhập tổ chức ASOSAI và INTOSAI) và thành viên dự khuyết (là các SAI thuộc các nước châu Á và châu Đại Dương đã gia nhập tổ chức ASOSAI và đang chờ INTOSAI phê duyệt việc gia nhập).
Theo Báo Kiểm toán cuối tháng (Tháng 6/2018)