Chỉ tính riêng trong năm tài khoá 2004, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Hoa kỳ (Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO) của Hoa Kỳ) đã thực hiện gần 1.000 báo cáo và chứng thực và đưa ra hơn 2.700 đề xuất để cải thiện các hoạt động của Chính phủ. Trong 4 năm qua có khoảng 83% các đề xuất GAO đưa ra đã được thực hiện. Lợi ích tài chính mà GAO thu được trong năm tài khoá 2004 đạt tổng ở mức kỷ lục 44 tỉ đôla - tức cứ 1 đôla đầu tư cho GAO mang lại lợi tức 95 đôla, bởi vì ngân sách chi tiêu của GAO trong năm là 463,6 triệu đôla.
TS. Trần Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Thông tin Điện toán của Cơ quan Kiểm toán Hoa Kỳ - cho biết như vậy trong cuộc Toạ đàm về Kinh nghiệm hoạt động của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Hoa Kỳ do Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 12/8/2005 tại Hà Nội. Ba nội dung chính được đề cập tới trong cuộc toạ đàm bao gồm: Vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính quyền; chức năng nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước; mối quan hệ giữa Cơ quan Kiểm toán Nhà nước với Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ.
GAO là một cơ quan độc lập thuộc nhánh lập pháp của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Thường được biết với tên gọi "cánh tay điều tra của Quốc hội" hay "cơ quan giám hộ của Quốc hội". Sứ mệnh của GAO là giúp Quốc hội hoàn thành các trách nhiệm theo Hiến pháp quy định và giúp cải thiện hoạt động và đảm bảo trách nhiệm giải trình của Chính phủ liên bang vì lợi ích của người dân Mỹ. Cơ quan này cung cấp kịp thời những thông tin khách quan, trung thực, không thiên vị, công bằng và cân bằng cho Quốc hội. GAO là cơ quan có điểm riêng biệt trong số các cơ quan hỗ trợ lập pháp ở chỗ các báo cáo của cơ quan này thường đưa ra các dữ liệu nguyên gốc và các phân tích chuyên môn được rút ra từ công việc đa dạng trên thực tế. Mỗi báo cáo của GAO đều phản ánh ba giá trị cốt lõi: trách nhiệm giải trình, tính liêm chính và độ tin cậy. Cơ quan này cũng hoạt động theo các tiêu chuẩn chặt chẽ về đánh giá và tham chiếu; tất cả các thông tin thực tế và phân tích trong công việc của GAO đều được kiểm tra kỹ lưỡng về độ chuẩn xác.
Phần lớn công việc hiện nay GAO thực hiện là theo yêu cầu của các Uỷ ban hoặc các Tiểu ban hoặc được uỷ thác trong các bộ Luật dân sự và báo cáo của các Uỷ ban; bao gồm gần như tất cả mọi hoạt động mà Chính phủ Mỹ đang hoặc sắp thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ngoài ra GAO cũng tiến hành nghiên cứu theo thẩm quyền của Tổng kiểm soát. Mặc dù giữ vai trò hàng đầu về kiểm toán các báo cáo tài chính tổng hợp của Chính phủ, nhưng nội dung kiểm toán tài chính hiện chỉ còn chiếm khoảng 15% khối lượng công việc mà GAO thực hiện. GAO hỗ trợ công tác giám sát của Quốc hội thông qua 5 nội dung: kiểm toán hoạt động của các cơ quan để xác định các nguồn quỹ liên bang có được sử dụng một cách có hiệu quả và kinh tế hay không; điều tra các nguồn tin về các hoạt động bất hợp pháp và không đúng đắn; báo cáo về mức độ đạt được mục tiêu của các chương trình và chính sách của Chính phủ; thực hiện phân tích chính sách và phác thảo các lựa chon để Quốc hội xem xét; sử dụng các quyết định và quan niệm hợp pháp, như phản đối các hình thức chi phối, và báo cáo về quy định của các cơ quan. Mặc dù phần lớn công việc là đánh giá hiệu quả các hoạt động thường nhật của Chính phủ, GAO vẫn theo dõi cả những vấn đề phát sinh đòi hỏi sự chú ý của các nhà lập pháp và công chúng, như: giám sát chặt chẽ các diễn biến có ảnh hưởng đến an ninh trong nước, dịch vụ bưu chính, hệ thống lương hưu cá nhân của quốc gia... GAO cũng thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về các thách thức dài hạn mà đất nước đang phải đối mặt, như: triển vọng tài chính của Chính phủ; các mối đe doạ an ninh mới trên thế giới trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh; dân số Mỹ đang già hoá và tác động của nó đến hệ thống y tế và hưu trí; các nhu cầu cơ sở hạ tầng tăng lên...
Tính độc lập trong hoạt động của GAO được bảo đảm rất cao. Đứng đầu GAO là Tổng kiểm soát Hoa Kỳ, người được Tổng thống chỉ định từ các ứng cử viên do Quốc hội tiến cử, nhiệm kỳ 15 năm. Nhiệm kỳ Tổng kiểm soát dài như vậy cho phép GAO có sự liên tục trong bộ máy lãnh đạo và tính độc lập ít cơ quan trong bộ máy Chính phủ có được. Lực lượng của GAO bao gồm các nhân viên sự nghiệp được tuyển dụng dựa trên kiến thức, kỹ năng, khả năng và tinh thần phục vụ tự nguyện. Đội ngũ cán bộ đa dạng của GAO có các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học xã hội, kế toán, nhà phân tích chính sách công, luật sư, và chuyên gia máy tính cũng như các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau từ chính sách ngoại giao đến y tế. Bên cạnh đó, quy định về công khai kết quả kiểm toán và các định chế khác của Liên bang cũng như các tiểu bang luôn đặt ra những đòi hỏi rất cao đối với mỗi kết luận kiểm toán đưa ra. Theo quy định, 24 giờ sau khi ấn hành báo cáo kiểm toán được phát hành rộng rãi trên trang web chính thức của GAO. Từng chữ, từng con số trong báo cáo kiểm toán đều được dò xét nghiêm cẩn trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Mỗi vấn đề hoặc số liệu đưa ra đều phải được sự kiểm soát của một hoặc nhiều luật sự thuộc Văn phòng Luật sư của GAO. Ngoài sự giám sát thường xuyên bởi một uỷ ban của Quốc hội, để tăng cường chất lượng hoạt động, cứ 3 năm một lần sẽ có một cơ quan Kiểm toán Nhà nước khác được mời đến để xem xét về hoạt động của GAO nhằm phân tích và đưa ra nhận xét, góp ý những điểm còn hạn chế cần khắc phục. Ngoài ra, hàng năm GAO còn mời một công ty kiểm toán tư nhân vào thực hiện kiểm toán để xem xét, kết luận về hoạt động chuyên môn.
Kết luận cuộc toạ đàm, đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội - ghi nhận và bày tỏ sự đánh giá cao tính độc lập về mặt chuyên môn của GAO cũng như tính công khai, minh bạch trong hoạt động và các báo cáo kiểm toán mà GAO thực hiện. Nội dung cuộc toạ đàm có giá trị tham khảo cao trong bối cảnh Luật Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vừa được ban hành và các nghị quyết quy định hướng dẫn về hoạt động và tổ chức, bộ máy Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị được trình lên Uỷ ban Thường vụ quốc hội.