Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng trong hoạt động kiểm toán

02/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định số 01/QĐ-KTNN ngày 02 tháng 01 năm 2025 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng trong hoạt động kiểm toán.

Quy định này áp dụng đối với các Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán nhà nước khu vực và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán.

Quy định nêu rõ, Kiểm toán trưởng là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán nhà nước khu vực, chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong hoạt động kiểm toán, hoạt động của Đoàn, Tổ Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi chung là Đoàn kiểm toán) do đơn vị chủ trì về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của các thành viên Đoàn kiểm toán (là công chức, viên chức, kiểm toán viên, cộng tác viên tham gia Đoàn kiểm toán) và chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Phó Kiểm toán trưởng là người giúp việc Kiểm toán trưởng, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Kiểm toán trưởng, chỉ đạo một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

 Theo Quy định, Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể như sau:

Nhiệm vụ của Kiểm toán trưởng

1. Lãnh đạo, điều hành, quản lý công chức trong đơn vị và thành viên Đoàn Kiểm toán, cộng tác viên, công chức, viên chức khác tham gia Đoàn Kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được giao;

2. Chỉ đạo xây dựng phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và kiểm tra nội bộ đối với lĩnh vực kiểm toán được phân công;

3. Tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, trung hạn, phương án tổ chức kiểm toán hàng năm và kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt; tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán sau khi được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt hoặc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước; chỉ đạo Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo Kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt; tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán theo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

4. Xây dựng và ban hành Kế hoạch năm về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán gửi Tổng Kiểm toán nhà nước (đồng thời gửi Vụ Tổng hợp) để theo dõi, quản lý; phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán để đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán được phát hành.

5. Kiểm tra việc chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm toán chi tiết của Trưởng đoàn kiểm toán đối với các Tổ kiểm toán theo đúng mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán đã xác định tại kế hoạch kiểm toán tổng quát của cuộc kiểm toán đã được Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước xét duyệt. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán và các nhiệm vụ khác theo quy định của Kiểm toán nhà nước;

6. Tổ chức xét duyệt và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước về dự thảo các kết luận, kiến nghị tại dự thảo báo cáo kiểm toán do các Đoàn kiểm toán thuộc đơn vị thực hiện trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức xét duyệt, phát hành theo quy định của Kiểm toán nhà nước; trình lãnh đạo Kiểm toán nhà nước dự thảo báo cáo kiểm toán đã được hoàn chỉnh kèm theo các hồ sơ trình và tài liệu có liên quan theo quy định;

7. Báo cáo, giải trình với Tổng Kiểm toán nhà nước các vấn đề trọng tâm về kết quả kiểm toán, dự kiến kết luận, kiến nghị kiểm toán và các vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo trước khi tổ chức xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán; tổ chức thông báo kết quả kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước thông qua với đơn vị được kiểm toán; ký báo cáo kiểm toán và các văn bản có liên quan theo ủy quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán với Tổng Kiểm toán nhà nước;

9. Tổ chức thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước; xác định nguyên nhân, trách nhiệm khi kết quả kiểm toán không chính xác phải đính chính (nếu có), nguyên nhân chủ quan, khách quan các kiến nghị kiểm toán đơn vị chưa thực hiện hoặc không thực hiện; đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước giải pháp tăng cường việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao vị thế của Kiểm toán nhà nước.

10. Tổ chức quản lý và lưu trữ hồ sơ kiểm toán; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Tổng Kiểm toán nhà nước;

11. Báo cáo định kỳ theo quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả hoạt động kiểm toán;

12. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động kiểm toán của đơn vị;

13. Tổ chức, chỉ đạo tham gia với đơn vị được giao chủ trì và các đơn vị có liên quan chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước;

14. Trường hợp Kiểm toán trưởng là Trưởng đoàn kiểm toán, ngoài quy định tại Điều này, phải thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn kiểm toán theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước, điểm a khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước.

15. Xem xét giải quyết và trả lời các kiến nghị kiểm toán hoặc trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định nội dung trả lời các khiếu nại, kiến nghị về kết luận và kiến nghị kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

16. Triển khai việc xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

17. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định hoặc phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Quyền hạn của Kiểm toán trưởng

1. Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán.

2. Yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật; kiến nghị thực hiện biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị được kiểm toán do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị;

3. Kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật; niêm phong tài liệu của đơn vị được kiểm toán khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, tiêu hủy tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

4. Yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán (Tổ trưởng Tổ kiểm toán) và các thành viên Đoàn kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán; cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ, giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến kết quả kiểm toán; tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán theo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

5. Xem xét, giải quyết ý kiến bảo lưu của Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

6. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật được phát hiện qua kiểm toán; đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

7. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán;

8. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

9. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước trưng cầu giám định về chuyên môn hoặc áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao để thu thập bằng chứng kiểm toán khi cần thiết; ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi kiểm toán của đơn vị;

10. Thông qua hoạt động kiểm toán, đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy định cho phù hợp; kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc các lĩnh vực kiểm toán do đơn vị thực hiện;

11. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và chỉ đạo việc chuyển hồ sơ, việc niêm phong tài liệu của đơn vị được kiểm toán hoặc các cá nhân có liên quan;

12. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước thay thế thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định của Đảng, Nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định Kiểm toán nhà nước có liên quan;

13. Quyết định cho thành viên Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước và chịu trách nhiệm với quyết định của mình;

14. Quyết định tạm đình chỉ Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán; yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán quyết định tạm đình chỉ từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản có liên quan. Báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước theo quy định.

15. Đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán khi có thành tích đột xuất hoặc có sai phạm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán;

16. Phân công nhiệm vụ cho Phó Kiểm toán trưởng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán phù hợp với các quy định của Kiểm toán nhà nước;

17. Trường hợp Kiểm toán trưởng là Trưởng đoàn kiểm toán, ngoài quy định tại Điều này, phải thực hiện quyền hạn của Trưởng đoàn kiểm toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước, điểm b khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước.

18. Ủy quyền cho 01 Phó Kiểm toán trưởng quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán của đơn vị khi Kiểm toán trưởng vắng mặt.

19. Lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính; yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán ra quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

20. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định hoặc khi được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền.

Trách nhiệm của Kiểm toán trưởng

1. Chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quy định này; chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

2. Triệu tập đầy đủ, đúng thành phần, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền; không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình.

3. Báo cáo kịp thời, trung thực, khách quan, đầy đủ ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

4. Công khai thông báo, kết luận về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán theo quy định. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

5. Thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 4 Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đồng thời có trách nhiệm:

a) Thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong hoạt động kiểm toán;

b) Thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động kiểm toán thuộc thẩm quyền được giao;

c) Khi được giao chủ trì cuộc kiểm toán:

- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định và quy trình nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán theo thẩm quyền;

- Thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động kiểm toán thuộc thẩm quyền được giao;

- Công khai, minh bạch nội dung về hoạt động kiểm toán cho tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định;

- Ban hành hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán của đơn vị đúng với chủ trương, chính sách, các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan.

7. Cùng với Trưởng Đoàn kiểm toán, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước và trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán do đơn vị chủ trì kiểm toán.

8. Chịu trách nhiệm thực hiện và yêu cầu Đoàn kiểm toán, các tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị cung cấp báo cáo, thông tin, tài liệu, hồ sơ, giải trình làm rõ các vấn đề liên quan theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động kiểm toán.

9. Chịu trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời hoặc trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt về việc trả lời các ý kiến khiếu nại hoặc kiến nghị kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước.

10. Chịu trách nhiệm về ý kiến bảo lưu kết quả kiểm toán trước Tổng Kiểm toán nhà nước.

11. Cùng với Trưởng Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của đơn vị; về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Đoàn kiểm toán đối với cuộc kiểm toán do đơn vị chủ trì; tự chịu trách nhiệm về quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống.

12. Xử lý theo thẩm quyền ngay khi phát hiện các sai sót, hạn chế trong hoạt động kiểm toán; các hành vi vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, các quy định khác của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý phải báo cáo ngay Tổng Kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Kiểm toán nhà nước.

13. Tổ chức thực hiện các biện pháp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán và các biện pháp nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công chức trong hoạt động kiểm toán thuộc đơn vị mình quản lý.

14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Kiểm toán nhà nước.

15. Khi Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán của đơn vị thực hiện kiểm toán đối với đơn vị ở nước ngoài hoặc không tổ chức kiểm toán tại nước ngoài nhưng cần xác minh nội dung kiểm toán, có trách nhiệm đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Hợp tác quốc tế) để làm việc, liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại nước sở tại phối hợp, giúp đỡ.

16. Chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán chấp hành quyết định thanh tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền. Tuân thủ sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước.

17. Chịu trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai việc xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

18. Trường hợp Kiểm toán trưởng là Trưởng đoàn kiểm toán, ngoài quy định tại Điều này, phải thực hiện trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước và Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước và thực hiện quy định sau:

a) Trách nhiệm chung

- Tự giác báo cáo với tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan và xin không làm thành viên đoàn khi: Có quyền, lợi ích liên quan đến đơn vị được kiểm toán; có quan hệ gia đình với đơn vị được kiểm toán hoặc cùng là thành viên đoàn;

- Chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của pháp luật về hoạt động kiểm toán; quy định của ngành Kiểm toán nhà nước;

- Thực hiện nghiêm quyết định, kế hoạch, phân công nhiệm vụ của đoàn; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của đoàn;

- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn về nội dung báo cáo công việc được phân công và được bảo lưu ý kiến của mình;

- Không nhận quà vật chất và các lợi ích phi vật chất của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán dưới mọi hình thức.

b) Trách nhiệm cụ thể

Ngoài việc thực hiện quy định tại điểm a khoản 17 Điều 7 Quy định này, Trưởng đoàn còn chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước về:

- Việc điều hành hoạt động của đoàn theo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế, quy định, quy trình của Kiểm toán nhà nước;

- Tính đúng đắn, chính xác của các nội dung đã kiểm toán; các đề xuất, kiến nghị của đoàn;

- Chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đoàn khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

19. Có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định hoặc phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Kiểm toán trưởng

1. Giúp việc Kiểm toán trưởng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Kiểm toán trưởng và chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng về nhiệm vụ được phân công và các trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Phải tuân thủ sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của Kiểm toán trưởng và chấp hành các quyết định của Kiểm toán trưởng.

3. Khi Kiểm toán trưởng vắng mặt, 01 Phó Kiểm toán trưởng được Kiểm toán trưởng ủy quyền thay mặt lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán trưởng và chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền.

4. Trường hợp Phó Kiểm toán trưởng là Trưởng đoàn kiểm toán, ngoài quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều này, phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán theo quy định tại Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước, điểm a, điểm b khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước và khoản 14 Điều 5, khoản 17 Điều 6 và khoản 18 Điều 7 Quy định này.

Xem Quyết định số 01/QĐ-KTNN tại đây.
 
 

Xem thêm »