(kiemtoannn.gov.vn)- Ngày 8/11/2016, hội đàm 3 Bên giữa cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam-Lào-Campuchia được tổ chức tại trụ sở KTNN - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Đây là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội nghị giữa người đứng đầu cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 7 do KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức.
Toàn cảnh buổi Hội đàm
Hội nghị được tổ chức theo cơ chế luân phiên 2 năm/1 lần nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động chuyên môn, tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực kiểm toán. TS. Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam chủ trì Hội đàm.
Dự Hội đàm, về phía KTNN Việt Nam còn có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên; đại diện lãnh đạo: Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ&KSCL Kiểm toán.
Về phía cơ quan KTNN CHDCND Lào (KTNN Lào) có ông Padapphet Sayakhot, Phó chủ tịch KTNN Lào; đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN Lào; Về phía cơ quan Kiểm toán quốc gia Vương quốc Campuchia (KTNN Campuchia) có ông Suon Sitthy, Phó Tổng KTNN Campuchia và đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN Campuchia. Ông Prak Nguon Hong, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam cùng dự Hội đàm.
Phát biểu tại Hội đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về một số thành tựu nổi bật mà KTNN Việt Nam đạt được trong thời gian qua, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về việc luật KTNN 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016; ngoài ra, KTNN đã ban hành Hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAI với 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của SAI Campuchia và Lào để KTNN hoàn thành vai trò là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015 – 2018 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018 – 2021 cũng như tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018.
Khẳng định việc tăng cường mối quan hệ giữa ba cơ quan KTNN Việt Nam – Lào – Campuchia là vấn đề có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển chung, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng: Kể từ khi bắt đầu thiết lập mối quan hệ ba Bên từ năm 2009 cho đến nay, ba Cơ quan đã tích cực tham gia vào diễn đàn, cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, hướng tới mục tiêu hợp tác cùng phát triển. Các hình thức, nội dung hợp tác giữa ba nước trong lĩnh vực KTNN được thực hiện đa dạng và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, kể từ năm 2014, khi diễn đàn hợp tác ba Bên KTNN Việt Nam-Lào-Campuchia được khởi xướng đã đạt được những kết quả tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống, tăng cường năng lực chuyên môn, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của KTNN các nước trong khu vực Đông Dương; tạo diễn đàn phù hợp để KTNN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới các diễn đàn đa phương ở phạm vi rộng hơn.
Các Hội nghị thường kỳ đều tập trung vào vấn đề mang tính thời sự mà các Bên cùng quan tâm về cả mặt chuyên môn và phát triển năng lực tổ chức như: Tăng cường quản lý hiệu quả trong lĩnh vực công, tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội và KTNN, nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, quản lý đảm bảo chất lượng kiểm toán, kinh nghiệm về việc thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAI.
Đề xuất về cơ chế hợp tác ba Bên KTNN Việt Nam – Lào – Campuchia trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhấn mạnh: 3 Cơ quan không nên chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội nghị thường kỳ giữa người đứng đầu mà cần ưu tiên một số nội dung căn bản: Các nước cùng tập trung vào việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hợp tác đa phương có tính khả thi cao nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các đối tác phát triển quốc tế và tổ chức chuyên môn quốc tế. Đây là lĩnh vực phía Việt Nam có kinh nghiệm khi đã cùng Kiểm toán Nga kiểm toán doanh nghiệp liên dầu khí cũng như các cuộc kiểm toán dự án của Ngân hàng Thế giới, một số dự án của EU. Ngoài ra, các nước cần ưu tiên thời gian tới là xây dựng và áp dụng thành công cẩm nang, hướng dẫn thực hành trong một số lĩnh vực chuyên môn mà các Bên cùng quan tâm song còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm; cùng tổ chức các cuộc kiểm toán hợp tác về lĩnh vực môi trường theo tinh thần của tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Hội nghị cấp cao hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) cũng như các lĩnh vực khác.
Trong Ảnh: Phó Chủ tịch KTNN Lào Padapphet Sayakhot (ngoài cùng bên trái) và Phó Tổng KTNN Suon Sitthy (thứ hai bên trái)
Tại Hội đàm, Phó Chủ tịch KTNN Lào Padapphet Sayakhot thông báo về những thông tin chung của cơ quan KTNN Lào cũng như kết quả tổ chức thực hiện công tác hợp tác ba Bên trong thời gian qua. Phó Chủ tịch KTNN Lào cho rằng, để tổ chức thực hiện đầy đủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các đơn vị kiểm toán cần phải tiếp tục kiện toàn quy chế, cơ chế và phương pháp kiểm toán. Tuy nhiên, với Lào, phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro theo ông còn là một thách thức. “Muốn tổ chức thực hiện được phương pháp này thì cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cuốn cẩm nang kiểm toán trước, mà các cuốn cẩm nang kiểm toán tài chính của Lào được xây dựng từ năm 2005 và có một số điều kiện, nội dung đến nay vẫn chưa được chỉnh sửa" - đại diện KTNN Lào nói. Ông Padapphet Sayakhot mong các nước có thể chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các cẩm nang hướng dẫn kiểm toán như cẩm nang hướng dẫn kiểm toán việc đấu thầu mua bán tài sản; chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai đưa nội dung chuẩn mực kiểm toán quốc tế vào trong việc xây dựng giáo trình tập huấn, chương trình học tập, giảng dạy và tổ chức các khóa tập huấn về kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.
Về phía Campuchia, Phó Tổng KTNN Suon Sitthy bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng khi được dẫn đoàn đại biểu cơ quan KTNN Campuchia tham dự Hội nghị ba Bên lần thứ 7 tại Việt Nam. Phó Tổng KTNN Campuchia cũng giới thiệu với Hội đàm những thông tin cơ bản về cơ quan KTNN Campuchia và tình hình công việc của cơ quan KTNN đã và đang thực hiện công việc kiểm toán quản lý tài chính công của chính phủ nước này. Theo đó, trong phạm vi công việc chuyên môn, cơ quan KTNN Campuchia đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm: Thông qua và áp dụng nguyên tắc hướng dẫn kiểm toán trên báo cáo tài chính dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế của cơ quan kiểm toán cấp cao (ISSAI); thông qua và áp dụng nguyên tắc hướng dẫn kiểm toán chung theo quy định của pháp luật; thông qua và đưa vào sửa dụng sách hướng dẫn quản lý nhân lực. Đặc biệt, từ Hội nghị lần thứ 6 năm 2014 đến nay, KTNN Campuchia đã thông qua và đưa vào sử dụng chính sách kiểm toán trên báo cáo tài chính, mở các khóa đào tạo cho cán bộ…
Đoàn đại biểu KTNN Lào và Campuchia chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo KTNN Việt Nam
Kết luận Hội đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà ba nước đạt được trong ba năm qua. Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định: Trong thời gian tới ba cơ quan cần tăng cường hơn nữa hợp tác chuyên môn chia sẻ kinh nghiệm và trợ giúp nhau để KTNN ba nước cùng phát triển. Về phía KTNN Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với KTNN Lào, Campuchia và sẵn sàng hợp tác để ba nước Đông Dương có ngành Kiểm toán phát triển, qua đó thắt chặt tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân ba nước. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc gửi lời chúc tới KTNN Lào, Campuchia ngày một phát triển, đóng góp hơn nữa vào tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước; đồng thời gửi lời mời Tổng KTNN Lào, Campuchia dự Đại hội ASOSAI được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2018./.
Phương Vân