Ấn Độ: Yếu kém trong quản lý tài chính và đất đai tại các cảng biển

28/07/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) ngày 25/7 đã trình lên Quốc hội nước này bản Báo cáo kiểm toán, trong đó chỉ ra thực trạng thua lỗ đáng lo ngại và năng lực quản lý tài chính, đất đai còn nhiều hạn chế tại nhiều cảng biển thuộc sở hữu của nhà nước Ấn Độ.

 
Ấn Độ hiện có 12 cảng thuộc sở hữu nhà nước là: Kandla, Mumbai, Jawaharlal Nehru (JNPT), Marmugao, New Mangalore, Cochin, Chennai, Ennore, VO Chidambarnar, Visakhapatnam, Paradip và Kolkata. 12 cảng chính này hiện chiếm khoảng 61 tổng lưu lượng hàng hóa của cả nước. Trong đó, cảng JNPT được biết đến là cảng container lớn nhất, tiếp theo là cảng Chennai, Kolkata… Các Kiểm toán viên nhà nước cho biết, phần lớn các cảng được coi là cửa ngõ đường biển quan trọng của Ấn Độ hiện đang hoạt động yếu kém, gây thua lỗ cho NSNN hơn 535 triệu Rupi (khoảng 8,3 triệu USD).
 
CAG nhận định, thất bại trong điều chỉnh phí bến đỗ của Quỹ tín thác cảng Mumbai (MbPT), công ty quản lý đất công và vận hành cảng lớn nhất thành phố Mumbai, đã dẫn tới khoản lỗ khoảng 231 triệu Rupi trong vòng 6 năm qua của cảng Mumbai. Những khoản phí này, được ấn định theo Quy định chung của MbPT là 20 Rupi/phương tiện/đêm, đã từ lâu không được xem xét điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Các Kiểm toán viên nhận thấy phí bến đỗ ở các địa phương có điều kiện cảng biển tương tự do Công ty Municipal Corporation of Greater Mumbai (MCGM) thu thường cao hơn mức phí mà MbPT ấn định và công ty này cũng định kỳ điều chỉnh mức phí. Như vậy, nếu lấy mức phí bến đỗ của MCGM làm căn cứ, thì MbPT phải chịu khoản lỗ 231 triệu Rupi từ năm tài chính 2010-2011 đến 2015-2016 chỉ tính riêng với chi phí bến đỗ qua đêm.
 
Tương tự như vậy, CAG cho biết, Quỹ tín thác cảng Visakhapatnam đã không thu hồi 46,4 triệu Rupi từ Tổng cục Đường sắt Ấn Độ (India Railways) do thiếu các điều khoản thỏa thuận. Cảng Visakhapatnam cũng bị chỉ trích yếu kém trong quản lý tài chính, dẫn tới nhiều khoản chi trả vượt mức, chi trả không thường xuyên trái với những quy định về thanh toán của cảng. Ngoài ra, Quỹ tín thác cảng Cochin hiện cũng đang gánh khoản lỗ khoảng 19,8 triệu Rupi do những điều khoản không rõ ràng hoặc mâu thuẫn trong các hợp đồng cho thuê đất.
 
Ngoài yếu kém trong quản lý tài chính, hiệu quả sử dụng đất đai phân bổ cho các cảng cũng được CAG đề cập tới trong bản báo cáo trình lên Quốc hội. Theo đó, có tới 45,3 tổng diện tích đất thuộc sở hữu của các cảng không được sử dụng hiệu quả; CAG khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ cần đánh giá lại diện tích đất phân bổ và cho thuê của các cảng biển chính thuộc sở hữu nhà nước này, đồng thời đưa ra cơ chế, định hướng phù hợp để tăng cường hiệu quả sử dụng đất cảng.
 
Báo cáo của CAG được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy phát triển giao thương đường biển và mở rộng lĩnh vực hàng hải với tham vọng trở thành một cường quốc ở Ấn Độ Dương. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hàng hải Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức hồi năm ngoái tại thành phố Mumbai với 2.000 đại biểu tham dự từ các nước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện lộ trình để đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc hàng hải trên cơ sở tận dụng lợi thế đường bờ biển dài và vị trí địa lý ở khu vực Ấn Độ Dương.
 
(Nguồn: Times of India và Hindustan Times)
(Báo Kiểm toán số 30/2017)

Xem thêm »