Là một phần của Dự án “Các thành phố an toàn”, Tổ chức Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) hôm 09/6 vừa qua đã chính thức khởi động Sáng kiến kiểm toán thí điểm về an toàn dành cho phụ nữ trong không gian giao thông công cộng tại thành phố Lahore, Pakistan. Sáng kiến này được thực hiện với sự phối hợp của Tổ chức Phát triển Phụ nữ (WDD) vùng Punjab, Tổ chức phi chính phủ Aurat Foundation và sự hỗ trợ của Chính phủ Australia.
Các nghiên cứu tại Pakistan cho thấy, việc đi lại và sử dụng phương tiện giao thông công cộng của phụ nữ bị hạn chế do sự kỳ thị xã hội và lo sợ bị quấy rối. Phụ nữ nước này luôn phải đối mặt với những rủi ro về an toàn khi đi bộ, chờ xe buýt hay khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ Pakistan đã nỗ lực giải quyết mối quan ngại này thông qua các chính sách vận tải như: thiết lập khu riêng biệt trên xe buýt và vận hành tuyến xe buýt chỉ dành cho phụ nữ và trẻ em gái.
Đại diện UN Women tại Pakistan - bà Jamshed Kazi cho biết: "Bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ trong không gian cá nhân và công cộng là điều kiện tiên quyết và mục tiêu của phát triển đô thị bền vững”. Báo cáo của UN Women chỉ ra rằng, bạo lực và quấy rối đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mà còn tác động đến cả gia đình và cộng đồng.
Ngoài việc xác định các rủi ro, thiếu an toàn mà phụ nữ gặp phải, thông qua các cuộc phỏng vấn, cuộc kiểm toán sẽ cung cấp số liệu thống kê về các loại, mức độ đe dọa mà phụ nữ phải đối mặt; xác định những khoảng trống, rào cản của các dịch vụ vận tải để ngăn chặn và đối phó với quấy rối; đề xuất các khuyến nghị có thể áp dụng cho chính quyền địa phương, cơ quan vận tải, các tập đoàn và các bên liên quan khác để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ đi du lịch. Cuộc kiểm toán sẽ được tiến hành tại các bến xe buýt được lựa chọn do Công ty Vận tải Lahore (LTC) và Hệ thống Xe buýt Metro (MBS) điều hành.
Giám đốc thường trú của Aurat Foundation - Mumtaz Mughal chia sẻ: "Kiểm toán an toàn cho phụ nữ trong giao thông công cộng ở Lahore là một sáng kiến được đánh giá cao trong nhiều nỗ lực của tổ chức này nhằm giải quyết các vấn đề tính an toàn của phụ nữ trong các không gian công cộng”. Những khuyến nghị về chính sách và các kết quả đầu ra của cuộc kiểm toán được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện lập quy hoạch phát triển đô thị đáp ứng về giới tốt hơn.
Đứng thứ 147/188 trong xếp hạng chỉ số bình đẳng giới của Liên hợp quốc, Pakistan vẫn được biết đến là một trong những quốc gia có nữ quyền thấp trên thế giới. Ngoài việc phải chịu những quy định ngặt nghèo về tôn giáo, phụ nữ nước này thường xuyên phải hứng chịu bạo lực gia đình, những hành động tấn công bằng axit hay quấy rối, xúc phạm danh dự, lạm dụng về thể chất, tâm lý cũng như tài chính.
(Nguồn: The Nation
và Pakistan Today)
(Báo Kiểm toán số 24/2007)