Bản báo cáo công bố đầu tháng 5/2016 của Cơ quan Tổng kiểm soát và kiểm toán Ấn Độ (CAG) về cuộc kiểm toán hoạt động đối với Cơ quan Dịch vụ phòng cháy, chữa cháy Delhi (DFS) đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng trong thực thi chức năng của cơ quan này. Theo đó, CAG đánh giá DFS không đủ năng lực để thực hiện công tác cứu hộ, ứng phó với các vụ cháy lớn có thể xảy ra trong bối cảnh nắng nóng đang đạt kỷ lục và còn tiếp tục kéo dài tại quốc gia này.
Cuộc kiểm toán nằm trong phạm vi kiểm toán dịch vụ phòng chống cháy nổ trên toàn quốc của CAG cho giai đoạn 2010-2015. Báo cáo chỉ ra rằng, trong trường hợp cháy nổ khẩn cấp, thiết bị và nhân sự phòng cháy, chữa cháy hầu như không được trang bị đầy đủ để có thể ứng phó kịp thời. Trong báo cáo các năm 2001, 2004, 2010, CAG cũng đã từng chỉ trích thiếu sót về mặt nhân sự tại DFS và tình trạng đó vẫn tồn tại, hiện DFS còn thiếu tới gần 43 nhân sự để có thể đáp ứng nhu cầu công tác an toàn cháy nổ của thủ đô.
Báo cáo nhận định, trang thiết bị cấp cho đội lính cứu hỏa còn sơ sài, cũ kỹ và không đủ khả năng để tiếp cận chữa cháy nhanh trong các trường hợp khẩn cấp, với 6 xe cứu hộ và duy nhất 1 xe cứu thương. CAG đã kiểm tra và phát hiện 4/6 xe thang cứu hộ đã bị hỏng, 31/160 máy bơm không còn hoạt động, các xe cứu hộ đều không được trang bị thiết bị hỗ trợ ban đầu, 17 trạm chữa cháy không có họng giếng khoan cấp nước. Điều này cho thấy DFS đã không thực hiện các cuộc kiểm tra thường xuyên đối với các trạm chữa cháy cũng như không thành lập nhóm tư vấn để khuyến nghị các biện pháp và cách thức nhằm cải thiện dịch vụ an toàn cháy nổ của thủ đô.
CAG cho biết, DFS đã không chuẩn bị cơ sở dữ liệu về danh mục các tòa nhà cần bổ nhiệm đội an toàn phòng cháy, chữa cháy, cũng như không nắm được dữ liệu về các tòa nhà cao tầng trong thành phố cần phải có Chứng nhận an toàn cháy nổ theo quy định. Nhóm kiểm toán của CAG thậm chí đã tới để kiểm tra và thử nghiệm hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại một số tòa nhà cao tầng và đã có ít nhất 8 tòa nhà không đáp ứng được các quy định. Mặc dù không tuân thủ theo quy định pháp luật, DFS cũng không ra thông báo hay áp dụng hình phạt đối với các chủ tòa nhà vi phạm. Ngoài ra, CAG đã chỉ trích DFS mặc dù có xưởng ôtô riêng, song vẫn để xảy ra lãng phí hơn 17 vạn Rupi (2,54 triệu USD) vào việc sửa chữa và duy tu phương tiện tại các xưởng tư nhân khác.
Thủ đô New Delhi nói riêng và quốc gia Ấn Độ nói chung từ hồi đầu năm ngoái đã chứng kiến nhiều thảm họa cháy nổ xảy ra tại các trường học, chợ, rạp chiếu phim, các công trình cao tầng, hay tại các bệnh viện do không có phương án an toàn cháy nổ bắt buộc phù hợp. Điển hình như vụ cháy tòa nhà Quốc hội ở trung tâm thủ đô New Delhi hồi tháng 3/2015, vụ hỏa hoạn ngày 19/10/2015 khiến khoảng 300 ngôi nhà ổ chuột tại phía đông thủ đô đã bị thiêu rụi và khoảng 1.500 người mất nhà cửa, hay vụ cháy lớn xảy ra đêm 24/4 vừa qua tại một tòa nhà cao tầng ở Quảng trường Netaji Subhash, phía Tây thủ đô New Delhi, gây thiệt hại lớn về tài sản. Nghiêm trọng nhất có thể nói đến vụ nổ và hỏa hoạn kinh hoàng tại ngôi đền Hindu ở Kollam, Kerala khiến hơn 100 người thiệt mạng, hơn 400 người khác cũng bị thương hồi đầu tháng 4.
Hiện Ấn Độ đang phải hứng chịu đợt nóng kỷ lục kéo dài khi nhiệt độ ngoài trời lên 51 độ C nhiều tuần qua cùng tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Trung tâm quản lý thiên tai Ấn Độ ngày 29/4 cho biết, đợt nắng nóng khủng khiếp đang diễn ra tại nước này đã làm hơn 300 người chết và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người. Các nhà chức trách Ấn Độ đang nỗ lực ngăn chặn tất cả các khả năng có thể gây phát sinh các vụ cháy trong bối cảnh Bộ Khoa học Trái đất (MoES) Ấn Độ dự báo nhiệt độ sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới và dự báo năm 2016 có thể là một trong những năm nóng nhất trong hàng thế kỷ qua tại quốc gia này.
(Nguồn: India Express
và India Today)
(Báo Kiểm toán 23)