KTNN Anh kiểm toán việc nhận quà tặng và chiêu đãi

29/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

KTNN Anh đã thực hiện xem xét đánh giá việc nhận quà tặng và chiêu đãi tại các cơ quan của chính phủ, trong đó tiến hành đánh giá số liệu có liên quan tại 17 Bộ và tổ chức kiểm toán tại 03 Bộ. Vừa qua, KTNN Anh đã công bố những phát hiện chính trong quá trình điều tra.

 
Theo báo cáo, từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2015, các cán bộ cấp cao tại 17 Bộ đã nhận quà tặng và chiêu đãi từ 1.495 tổ chức, cá nhân khác nhau với tổng số lên đến 3.413 lần. KTNN Anh ước tính các cán bộ cấp cao của 17 Bộ đã nhận quà và chiêu đãi trị giá 29.000 bảng Anh trong năm 2014-2015. Tổng số trường hợp nhận quà tặng và chiêu đãi được báo cáo dao động từ 20 lần đối với Bộ phát triển quốc tế - DFID, đến 718 lần đối với Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng - BIS.

Đối với 03 Bộ được điều tra, gồm: Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng (BIS), Cơ quan thuế và hải quan Hoàng gia (HMRC), Công ty Quốc phòng, Thiết bị và Hỗ trợ (DE&S) - cơ quan giao dịch riêng của Bộ Quốc phòng (MoD), KTNN Anh ước tính các cán bộ đã nhận quà và chiêu đãi với tổng trị giá hơn 150.000 bảng Anh năm 2014-2015.

Dựa trên số liệu trong báo cáo của mình, KTNN Anh đã đưa ra một số kết luận quan trọng:

Mức độ nhận chiêu đãi khác nhau của các Bộ cho thấy các quy tắc, yêu cầu báo cáo cũng như vai trò của các Bộ là khác nhau. Mặc dù tổng giá trị quà và chiêu đãi nhận được có thể không cao nhưng rủi ro về danh tiếng xung quanh việc nhận quà có thể rất lớn. Do đó, việc nhận quà tặng và chiêu đãi cần phải cân đối, hài hòa trong mối quan hệ làm việc với tổ chức đó.

Văn phòng Nội các – cơ quan hành pháp của Anh đã xây dựng nguyên tắc nhằm hướng dẫn những trường hợp cán bộ có thể nhận quà tặng và chiêu đãi. Ba nguyên tắc chính là: mục đích (vì lợi ích của chính phủ); vừa phải (không quá thường xuyên, không quá nhiều hay không hài hòa); và tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên, KTNN Anh nhận thấy rằng chính sách còn thiếu những thông lệ tốt trên một số phương diện; quy tắc và quy trình xử lý về quà tặng, chiêu đãi cần chặt chẽ hơn.

Mặc dù các Bộ đang sử dụng phương pháp tiếp cận hài hòa và dựa trên rủi ro, KTNN Anh nhận thấy hệ thống kiểm soát quà tặng và chiêu đãi còn một số điểm yếu. Ví dụ như việc xác định hồ sơ đăng ký quà tặng, chiêu đãi và công tác quản lý giám sát xu hướng và thông lệ nhận quà của các Bộ ngành còn khó khăn.

Cán bộ thường phải tiếp xúc với nhiều đối tượng bên ngoài để công việc được thực hiện hiệu lực và hiệu quả, do đó phần lớn trường hợp nhận quà tặng và chiêu đãi ở mức vừa phải đều là chính đáng. Tuy nhiên, KTNN Anh cũng phát hiện một số trường hợp nhận quà không phù hợp và không tuân thủ các nguyên tắc của Văn phòng Nội các. Trong quá trình rà soát sổ sách và dữ liệu về tính minh bạch, KTNN Anh chỉ ra một số lo ngại như quà tặng có thể là vé xem các sự kiện văn hóa – thể thao, đôi khi mời kèm cả vợ/chồng và/ hoặc con cái; rượu sâm-panh, máy tính bảng ipad.

Văn phòng Nội các yêu cầu các Bộ báo cáo theo quý về việc các thành viên ban điều hành, tổng giám đốc và cán bộ cấp cao nhận chiêu đãi. Có 12 trong 17 Bộ, bao gồm BIS và HMRC, đã công bố thông tin hàng quý, việc công khai các ghi chép về chiêu đãi cán bộ cấp cao sẽ hỗ trợ nâng cao trách nhiệm giải trình công. Tuy nhiên, một số Bộ vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu về tính minh bạch.

Tổng KTNN Anh – ông Amyas Morse nói: “Đôi khi việc cán bộ công chức nhận quà tặng và chiêu đãi từ các cơ quan bên ngoài là hợp lý. Tuy nhiên, điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách hoặc ảnh hưởng đến thanh danh của chính phủ. Mặc dù phần lớn (không phải tất cả) trường hợp cán bộ báo cáo là chính đáng khi giao dịch thông thường, chúng tôi phát hiện một số điểm yếu trong giám sát và kiểm soát quà tặng và chiêu đãi. Do đó, cần có giải pháp khắc phục từ Văn phòng Nội các và các Bộ ngành”./.

Lê Hồng Phương – Vụ Hợp tác quốc tế

Xem thêm »