KTNN Estonia kiểm toán việc giám sát các tòa nhà không đảm bảo an toàn tại các khu tự trị, thị trấn và thành phố của Estonia

07/04/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tháng 2/2016 vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Estonia đã phát hành báo cáo kiểm toán việc giám sát các tòa nhà không đảm bảo an toàn tại các khu tự trị, thị trấn và thành phố của Estonia. Ban Cứu hộ của Estonia ước tính, trong năm 2015 Estonia có khoảng hơn 1200 tòa nhà không đảm bảo an toàn.
 

Cuộc kiểm toán đã chỉ ra rằng, chính quyền địa phương cần chú ý hơn đến các toà nhà không đảm bảo an toàn tại khu vực, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ hoặc cải tạo lại các tòa nhà này. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa áp dụng các biện pháp xử lý đối với chủ sở hữu của các tòa nhà do không có đủ thẩm quyền pháp lý.

Các phát hiện kiểm toán

Trong thời gian thực hiện cuộc kiểm toán, KTNN Estonia đã quan sát việc chính quyền địa phương có các biện pháp can thiệp, xử lý các tòa nhà bị chủ nhân bỏ hoang hoặc các công trình đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Cuộc kiểm toán đã chỉ ra rằng, một tòa nhà bị bỏ hoang với các cửa ra vào và cửa sổ không được khóa hoặc bít kín sẽ nhanh chóng thu hút người vô gia cư cũng như các thanh niên trẻ thất nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều công trình khác có thể trở thành mối nguy hiểm đối với người dân nơi đây như hố giếng chưa được lấp, các bể chứa ngầm và hầm. Tổng KTNN Estonia - ông Alar Karis cũng cho biết, trong năm 2015, đã có bốn nhân viên cứu hộ bị thương khi cứu người dân thoát khỏi các tòa nhà nguy hiểm. Những hố giếng chưa được lấp còn gây ra cái chết của 06 người dân 5 năm trước.

Qua báo cáo kiểm toán, KTNN Estonia cho biết, tất cả các tòa nhà được chọn để kiểm toán đều xây dựng ở khu vực đông đúc và gần các tòa nhà dân cư. Trong cuộc kiểm toán, KTNN Estonia đã tiến hành kiểm toán 79 tòa nhà dưới sự quản lý của 15 chính quyền địa phương và theo Ban Cứu hộ, hầu hết các tòa nhà này đều ở trong tình trạng nguy hiểm từ năm 2014. Sau khi cuộc kiểm toán kết thúc, vẫn còn 55 trong tổng số 79 tòa nhà ở trong tình trạng nguy hiểm, 05 tòa nhà đã được phá dỡ và 19 tòa nhà còn lại đã được xử lý để đảm bảo an toàn. Trong số 59 tòa nhà xây dựng trên đất của tư nhân hoặc nhà nước, chính quyền địa phương đã không hề thực hiện các biện pháp xử lý, không tiến hành các thủ tục tố tụng đối với chủ nhân của 22 tòa nhà.

Theo KTNN Estonia, chính quyền địa phương đã không coi trọng việc xử lý và giám sát các tòa nhà trong tình trạng nguy hiểm, đồng thời chính quyền cũng không có kế hoạch về nguồn lực hoặc kinh phí riêng cho mục đích này. Ưu tiên của chính quyền địa phương trong lĩnh vực giám sát xây dựng là giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch và cấp giấy phép sử dụng, chứ không phải là các tòa nhà không đảm bảo an toàn hay các thủ tục tố tụng đối với chủ nhân của các tòa nhà này. Do thiếu các quy định và thẩm quyền pháp lý, cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa áp dụng các biện pháp xử lý đối với chủ sở hữu của các tòa nhà.

Tình hình cũng không có gì khác biệt khi chính quyền địa phương chính là chủ sở hữu của những tòa nhà không đảm bảo an toàn. Đáng nhẽ những tòa nhà này phải được bít kín nhưng trong số 20 tòa nhà thuộc quyền sở hữu của chính quyền địa phương, có đến 7 tòa nhà có thể bị xâm nhập dễ dàng. Thông qua cuộc kiểm toán, KTNN Estonia nhận thấy chính quyền địa phương đã coi nhẹ việc xây dựng, cải tạo các tòa nhà bị bỏ hoang và thay vào đó, họ dùng tiền để cải tạo các tòa nhà đang được sử dụng hay bổ sung thêm những tiện ích mới. Họ có thể xin hỗ trợ để dỡ bỏ các tòa nhà bị bỏ hoang, nhưng kinh phí hỗ trợ sẽ không đủ để dỡ bỏ toàn bộ các tòa nhà này.

Vì nhiệm vụ giám sát xây dựng là nhiệm vụ chung của nhiều cơ quan khác nhau, KTNN Estonia đã nghiên cứu việc hợp tác giữa chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước. KTNN Estonia cho rằng Luật xây dựng đã không quy định rõ việc phân chia trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và Cơ quan Giám sát Kỹ thuật trong quá trình giám sát các tòa nhà không đảm bảo an toàn. Do vậy, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan giám sát xây dựng khác (như Ban Cứu hộ, Cơ quan Giám sát Kỹ thuật, Ban Di sản Quốc gia) là không hiệu quả. Thêm vào đó, khi tiến hành các thủ tục tố tục, các cơ quan này cũng không phối hợp, thông tin cho nhau nên chính quyền địa phương không thể có đầy đủ thông tin về các vấn đề liên quan đến các tòa nhà không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, Bộ Kinh tế và Truyền thông đã không lưu giữ hồ sơ về các tòa nhà không đảm bảo an toàn trong sổ đăng ký xây dựng. Đó là lý do vì sao các cơ quan liên quan không thể có được thông tin khách quan về tình trạng của các tòa nhà.

Các kiến nghị kiểm toán

Căn cứ các phát hiện kiểm toán trên, KTNN Estonia đã đưa ra các kiến nghị sau:

Thứ nhất, Bộ Kinh tế và Truyền thông cần gửi văn bản thông báo cho chính quyền địa phương, trong đó cần quy định chi tiết hơn về thẩm quyền giám sát nhà nước dựa trên Luật Xây dựng để làm rõ phân chia trách nhiệm giữa Cơ quan Giám sát Kỹ thuật và chính quyền địa phương.

Thứ hai, Bộ Kinh tế và Truyền thông cần trao đổi với các Bộ ngành khác (Bộ Tài chính, Bộ Môi trường) xem xét việc đưa ra các biện pháp bổ sung cấp quốc gia để dỡ bỏ các tòa nhà bị bỏ hoang. Bộ Kinh tế và Truyền thông đã hứa sẽ nghiên cứu tình hình. KTNN Estonia hy vọng Bộ Kinh tế và Truyền thông sẽ cung cấp các kết quả nghiên cứu cho chính quyền địa phương trong năm 2016.

Cuối cùng, KTNN Estonia kiến nghị chính quyền địa phương cần xác định các tòa nhà bị bỏ hoang trong phạm vi quản lý của mình để ngăn chặn việc người dân xâm nhập vào các tòa nhà này. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần lập kế hoạch với mục tiêu rõ ràng và có các biện pháp thiết thực để giảm thiểu số lượng các tòa nhà không đảm bảo an toàn./.

Nguyễn Thị Thanh Phương – Vụ Hợp tác quốc tế
(Nguồn: Trang thông tin điện tử của KTNN Estonia – Tin đăng ngày 10/02/2016)

Xem thêm »