Đầu tháng 11 vừa qua, Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Bulgaria (BNAO) đã hoàn chỉnh bản Báo cáo kiểm toán, trong đó chỉ rõ những yếu kém trong hệ thống giám sát của Ngân hàng Trung ương Bulgaria (BNB). Đặc biệt từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thương mại DN (Corpbank), đã khiến BNB chịu sự chỉ trích gay gắt về năng lực giám sát và Thống đốc Ivan Iskrov phải chịu áp lực từ chức nặng nề.
Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Bulgaria (BNAO) là một tổ chức độc lập với ngành Hành pháp khi thực hiện hoạt động của mình. Theo đề nghị của Quốc hội, BNAO đưa ra phán quyết của mình về các Dự Luật Ngân sách, tính khả thi của các chương trình Chính phủ do ngân sách tài trợ, cũng như các Dự án Luật có liên quan đến NSNN. Chủ tịch BNAO phải trình Quốc hội các Báo cáo kiểm toán mà BNAO thực hiện; trình Quốc hội báo cáo năm về hoạt động của BNAO.
Báo cáo của BNAO được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội kể từ sau vụ phá sản của Corpbank - ngân hàng lớn thứ 4 của Bulgaria, hồi tháng 6 năm ngoái do những cáo buộc về cho vay sai quy định và hàng loạt người gửi tiền ồ ạt đến rút tiền. Theo đó, kết quả kiểm toán hoạt động của Corpbank tại thời điểm đó cho thấy, ngân hàng này đã thực hiện nhiều nghiệp vụ vi phạm pháp luật. Đội ngũ kiểm toán viên không thể định giá khoảng 65 danh mục cho vay trị giá 5,4 tỷ Lev (3 tỷ USD) do nhiều tài liệu quan trọng đã bị tiêu hủy trước đợt kiểm toán. Đến tháng 11/2014, Corpbank bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của BNB và bị tước Giấy phép kinh doanh.
BNB đóng vai trò duy trì sự ổn định của đồng tiền Bulgaria và tăng cường, phát triển hệ thống ngân hàng và tín dụng trong nước. Tuy nhiên, Ban giám sát của BNB hầu như không thẩm tra các dữ liệu do các ngân hàng trực thuộc đệ trình, cũng như không kết nối trực tiếp với hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của các tổ chức cho vay. Trong khi đó, hệ thống CNTT của chính BNB thì lại quá lỏng lẻo, không chặt chẽ đến mức nhiều nhân viên còn có quyền can thiệp chỉnh sửa những dữ liệu nhạy cảm trong hệ thống lưu trữ. Điều này làm làm dấy lên lo ngại về tính xác thực của các hồ sơ ngân hàng.
Để chống xung đột về mặt lợi ích, BNB chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn đạo đức để xem xét tính tuân thủ. Tiêu chuẩn này không ngăn cản nhân viên của BNB tiếp nhận lãi suất ưu đãi cho các khoản tiền gửi của người gửi tiền, nhưng lại ngăn cấm việc thực hiện các khoản vay ở mức lãi suất ưu đãi. BNB hiện không có cơ chế nào để thẩm định tính tuân thủ.
Đây là lần đầu tiên các hoạt động của Ban giám sát BNB trong giai đoạn 2012-2014 được kiểm toán. Theo BNAO, cuộc kiểm toán chỉ tập trung đánh giá tính hiệu quả của năng lực giám sát ngân hàng trong giai đoạn mục tiêu mà không xem xét đến mức độ hiệu quả do sự giới hạn về thời gian và nhân sự thực hiện. Mặc dù vậy, báo cáo đã chỉ ra được rất nhiều vấn đề yếu kém như: phương pháp tiếp cận quy trình không thống nhất, báo cáo dữ liệu không được hoàn chỉnh... BNAO cho rằng đó chưa phải là tất cả vì còn nhiều thông tin mà BNAO yêu cầu đã không được BNB cung cấp.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2014 của Bulgaria được xem là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 17 năm qua, buộc Chính phủ Bulgaria phải mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD để ổn định tình hình.
Cuộc khủng hoảng này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng kinh doanh đa quốc gia lo lắng về sự ổn định của nền kinh tế, niềm tin đối với khả năng giám sát hệ thống tài chính đất nước của BNB bị lung lay dữ dội.
(Nguồn: Sofia Globe và Reuters)
(Báo Kiểm toán số 52)